Phòng, chống bệnh dại - Việc làm không của riêng ai
Hiện nay là thời điểm giao mùa nên rất dễ xảy ra nhiều dịch bệnh, trong đó có bệnh dại ở chó, mèo. Bệnh dại hiện cũng đã xuất hiện tại một số nơi trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng một bộ phận người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý chủ quan, thậm chí thờ ơ với bệnh dại.
Chủ quan với bệnh dại
Ngay sau khi ổ bệnh dại ở thành phố Đồng Xoài được khống chế, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện ổ bệnh dại tại xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản. Điều đáng nói, người dân tại đây vẫn còn chủ quan, thậm chí thờ ơ, không quan tâm đến căn bệnh này.
Gia đình chị Thị Bia ở ấp Hưng Phát, xã Tân Hưng nuôi 5 con chó. Thế nhưng 2 năm nay chị chưa một lần chích vắc-xin ngừa bệnh dại. Vừa qua, một trong 5 con chó bị bệnh, dù trước đó tại khu vực này đã xuất hiện bệnh dại nhưng gia đình chị vẫn không có biện pháp xử lý. Chỉ khi có cán bộ thú y đến tận nhà tiêu hủy và vận động tiêm phòng vắc-xin, chị mới biết chó bị bệnh dại. “Nó bị bệnh và bỏ ăn cả tuần, gia đình không biết bị bệnh gì. Lâu nay tại khu vực này chưa xuất hiện bệnh dại nên chúng tôi cũng không để ý” - chị Thị Bia cho biết.
Cách nhà chị Thị Bia không xa, anh Điểu Hùng bị chó cắn đã hơn 10 ngày nay. Đến nay, chó đã chết nhưng anh vẫn chủ quan không đi chích ngừa vắc-xin phòng bệnh dại. Chỉ khi lãnh đạo địa phương đến tận nơi vận động, anh Hùng mới về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chích ngừa và truyền huyết thanh phòng bệnh dại. Anh Điểu Hùng cho biết: “Tôi bị chó cắn, tuy nhiên thấy vết thương nhẹ, người vẫn khỏe mạnh nên không đi chích ngừa. Khi biết thông tin chó trong ấp bị bệnh dại cũng thấy lo lắng nhưng gia đình khó khăn nên ngại đi chích ngừa”.
Nhân viên thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó tại ấp Hưng Phát, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản
Hiện đang vào thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi bùng phát bệnh dại ở chó, mèo. Đặc biệt tại khu vực nông thôn, bởi ở đây tỷ lệ chích ngừa cho đàn chó hằng năm đạt rất thấp, tình trạng nuôi chó thả rông vẫn phổ biến. Bên cạnh đó, vi-rút dại luôn tồn tại trong cộng đồng, điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm đã khuyến cáo người dân nếu phát hiện chó, mèo nuôi trong nhà có biểu hiện bị bệnh phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất, không được giết mổ, ăn thịt, mua bán. Với những người không may bị chó cắn hoặc mèo cào phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và tiêm dự phòng, điều trị nếu cần thiết.
“Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên da bị tổn thương. Dù nguy hiểm nhưng bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa vi-rút dại, còn vắc-xin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau” - bác sĩ Sáu khuyến cáo.
Khó khăn trong quản lý
Xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản có 3.080 hộ, trong đó có 631 hộ dân tộc thiểu số. Tổng đàn chó, mèo trên địa bàn xã là 5.480 con. Riêng ấp Hưng Phát - nơi bệnh dại đang bùng phát có 746 con chó, mèo. Phần lớn đàn chó, mèo ở đây được người dân nuôi thả rông. Trước tình trạng xuất hiện bệnh dại trên đàn chó, UBND xã Tân Hưng đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đối với trường hợp bị chó dại cắn, huyện cử cán bộ y tế đến tận nhà vận động gia đình đưa tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được truyền huyết thanh và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Song song đó, huyện huy động lực lượng cán bộ thú y ra quân tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn xã Tân Hưng. Trong đó, đàn chó, mèo của các hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiêm vắc-xin hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng, hiệu quả trong công tác phòng dịch tại đây lại là một dấu hỏi lớn.
Ông Trần Minh Giám, cán bộ thú y xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản cho biết, công tác phòng dịch hiện nay chưa hiệu quả. Các hộ nuôi chó thường xuyên thả rông, lực lượng cán bộ thú y còn mỏng nên khó khăn trong công tác chích ngừa. “Đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số ở đây nuôi chó đàn, có nhà nuôi cả chục con. Nhà nuôi 5 con, mình chỉ chích được 4 con thì mầm bệnh vẫn còn, rất khó để dập dịch triệt để nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng” - ông Giám khẳng định.
Ngoài khó khăn trong chích ngừa vắc-xin trên đàn chó, mèo, công tác quản lý y tế tại các phòng khám tư nhân cũng là một dấu hỏi lớn. Bởi tâm lý của người dân khi bị chó, mèo cắn thường tìm đến các cơ sở y tế gần nhà. Tuy nhiên, theo ông Phan Nhật Huy, nhân viên y tế Phòng Y tế huyện Hớn Quản thì tất cả phòng khám trên địa bàn huyện không được phép chích ngừa tất cả các loại vắc-xin.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh dại hiện vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn. Các trường hợp tử vong bởi bệnh dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo.
Vừa qua, trong quá trình kiểm tra một số phòng khám tư nhân, đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm việc với chủ phòng khám Nội - Tổng quát tại tổ 1, ấp Sở Xiêm, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, người đã trực tiếp chích 6 mũi vắc-xin phòng dại cho 2 trường hợp bị chó cắn là Nguyễn Thị Bớt và Ngô Hân Hân, ngụ tổ 7, ấp Hưng Lập A. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra, chủ phòng khám không đưa ra được giấy phép hoạt động kinh doanh. Phòng khám cũng không có bất cứ hồ sơ, giấy tờ nào liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh cho các trường hợp bị chó cắn. Bản thân chủ phòng khám thừa nhận chưa từng tham gia lớp tập huấn, cũng như chứng chỉ tập huấn về chích ngừa bệnh dại do cơ quan chức năng tổ chức. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ phòng khám không chứng minh được mình đã chích loại thuốc nào, liều lượng cụ thể ra sao, mà chỉ cho biết sau khi biết các trường hợp bị chó cắn, ông đã liên lạc với người quen trong ngành y tế ở Bình Dương để họ chia sẻ vắc-xin và chích ngừa cho các trường hợp bị chó cắn theo yêu cầu...
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước diễn biến của bệnh dại, trung tâm đã ban hành Công văn số 932/KSBT-PCBTN&HIV về việc tăng cường phòng, chống bệnh dại trên người. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống bệnh dại hiệu quả hơn nữa, trung tâm sẽ tham mưu Sở Y tế để có những chỉ đạo cụ thể đối với công tác quản lý, hành nghề y dược tư nhân. Đặc biệt là những cơ sở chưa được cấp phép hay sử dụng vắc-xin trôi nổi trên thị trường.
Xuân Túc - Phạm Quang