Phòng, chống bệnh dịch mùa đông - xuân gắn với phòng dịch COVID-19
Theo dự báo, trong những tháng mùa đông - xuân cuối năm 2022, đầu năm 2023, tình hình các bệnh dịch truyền nhiễm vẫn có có nguy cơ cao và tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, thời tiết mùa đông - xuân tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm..., là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, từ đó làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người.
Nhận định của ngành Y tế, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước, trong tỉnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Cùng với đó, vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng số ca nặng, tử vong trở lại.
Các dịch bệnh đang lưu hành như sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng... vẫn ghi nhận số ca mắc mới. Các dịch bệnh khác trên thế giới như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta...
Công tác phòng, chống các loại dịch bệnh còn nhiều khó khăn, do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh; còn một bộ phận người dân chưa nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch, như không thực hiện tiêm chủng đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19; chưa có ý thức trong việc chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; chưa đưa con, em đi tiêm chủng các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia theo đúng lịch và hướng dẫn của ngành Y tế…
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời điểm tháng 12/2022 đến đầu tháng 1/2023, tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, các bệnh về đường hô hấp, COVID-19 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, không có ca tử vong. Tuy nhiên, các cơ sở y tế không chủ quan, lơ là, luôn chủ động các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không để dịch chồng dịch.
Tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, không để dịch bùng phát tại bệnh viện và cộng đồng, giúp người bệnh được thoải mái, yên tâm khi đến khám và điều trị, Trung tâm Y tế huyện đã tập trung các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Như tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên y tế. Tổ chức giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm tại các khoa khám bệnh, cấp cứu và các khoa điều trị nội trú...
Bác sĩ Nguyễn Văn Trí, Trưởng khoa khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Trong quá trình khám bệnh, nhân viên y tế khám sàng lọc kỹ, phát hiện sớm nếu có ca bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm được cách ly điều trị, không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện. Tại các khoa điều trị, nội trú, nếu có ca bệnh nghi ngờ sẽ được giám sát kỹ, hội chẩn sàng lọc nhanh, điều trị kịp thời, tránh để lây chéo sang các bệnh nhân khác.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, công tác vệ sinh môi trường, nhất là khu vực thu gom, phân loại, xử lý rác thải của bệnh viện. Tổ chức phun thuốc diệt muỗi cho các khoa, phòng và buồng bệnh.
Ngoài ra, thường xuyên thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe để người bệnh, người nhà người bệnh nâng cao hiểu biết, chủ động phòng bệnh và tự chăm sóc khi mắc các bệnh truyền nhiễm.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm theo mùa.
Chị Nguyễn Thị Kim, xã Gia Trung (huyện Gia Viễn) chăm sóc con gái hơn 3 tuổi tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Con gái tôi bị viêm amidan có mủ, cháu sốt cao, không chịu ăn. Cho con nhập viện, được các bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị. Tôi cũng được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho con trong mùa đông lạnh, để cháu không mắc các bệnh truyền nhiễm do thời tiết. Sau 4 ngày điều trị, cháu đã đỡ bệnh, không còn nôn trớ, sốt cao nữa. Bác sĩ cho biết, sau 1 tuần là cháu khỏi bệnh, có thể xuất viện về nhà.
Theo các bác sĩ, hiện đang là thời điểm mùa đông và sắp giao mùa đông-xuân, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, làm cho cơ thể con người khó thích nghi, nhất là đối với người già và trẻ em. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, nhất là các dịch bệnh về đường hô hấp, cúm, các bệnh đường tiêu hóa… thường hay gặp phải và dễ lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc và có nguy cơ gia tăng trở lại bất cứ lúc nào. Nếu người dân lơ là, chủ quan, rất dễ xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch, gây khó khăn trong công tác phòng, chống và điều trị.
Để phòng, chống các bệnh dịch mùa đông-xuân, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh, đặc biệt cần chú ý tới đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em nhỏ và người cao tuổi. Nên tiếp tục hoàn thiện việc tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19, tiêm các loại vắc xin phòng chống sốt xuất huyết, cúm A, cúm B… Việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Cùng với đó, cần chủ động ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư an toàn, sạch sẽ… Quan tâm đến việc giữ ấm cơ thể, bởi mùa đông và xuân là thời điểm giao mùa, nóng lạnh thất thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh. Vì vậy, cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, cân đối giữa các nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng, nhất là các loại cam, quýt, bưởi… cung cấp nhiều vitamin C. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Thường xuyên vận động giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Để vận động phát huy hiệu quả tốt nhất, cần dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để luyện tập thể dục. Khi luyện tập, nên chú ý việc lựa chọn trang phục phù hợp với nhiệt độ của môi trường. Người già không nên tập quá sớm, nên tập nhẹ nhàng trong nhà, để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cùng với đó, đeo khẩu trang khi ra ngoài, những nơi đông người. Bởi qua đánh giá, đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả nhằm ngăn ngừa vi rút, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.