Phòng, chống bệnh không lây nhiễm ngay từ gia đình
Điều chỉnh thói quen ăn uống trong mỗi gia đình được xem là giải pháp đơn giản, hiệu quả và bền vững nhất để phòng, chống bệnh không lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng.

Cho trẻ bơi lội cũng là một cách để luyện tập sức khỏe, giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm
Do thói quen ăn uống không kiểm soát, nhất là sử dụng nước ngọt thường xuyên, Ng. L. Ph. 9 tuổi, phường Đông Gia Nghĩa đã có cân nặng khoảng 57 kg. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, Ph. đang ở mức béo phì độ II; đồng thời yêu cầu thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, vận động để giảm nguy cơ các bệnh mãn tính, tâm lý… Từ đó, bên cạnh nói không với thức ăn nhanh, hạn chế tối thiểu đồ ngọt, nhất là nước ngọt, tinh bột, chất béo, Ph. được mẹ tăng cường ăn rau xanh, trái cây, luyện tập thể dục, thể thao… Qua 3 tháng, Ph. đã có thay đổi rõ rệt, cân nặng giảm xuống còn 52 kg, cơ thể vận động cũng nhẹ nhàng hơn, nhất là em đã tự tin hơn khi vui chơi cùng các bạn.
Chị H. Th. H., mẹ Ph. cho biết: “Trước đây, do bận công việc, nên thời gian nấu ăn của gia đình rất ít, chủ yếu ăn bên ngoài. Con tôi thường thích ăn các món ăn vặt, bánh mì, trà sữa, nước ngọt… nên dần dần hình thành thói quen. Sau khi được bác sĩ tư vấn, chúng tôi đã quyết tâm cả gia đình cùng ăn theo chế độ của con để con có động lực. Mỗi tuần, chúng tôi dành cho con 1 bữa ăn món con thích, nhưng trong khẩu phần cho phép. Thấy con giảm được cân nặng, cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, đam mê cầu lông, chạy bộ, tôi rất mừng”.
Theo ngành y tế, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, ung thư… thường phát triển âm thầm nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài. Các bệnh này một phần bắt nguồn từ những thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn mặn, ăn ngọt, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ít rau xanh, lười vận động...
Tình trạng ăn uống dư thừa năng lượng, thiếu cân đối dinh dưỡng, sử dụng quá nhiều dầu mỡ, đường, nước ngọt... đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm đối với người lớn tuổi và cả thanh thiếu niên, trẻ nhỏ. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là ở nông thôn, việc ăn uống thường gắn với thói quen lâu năm như ăn nhiều gia vị, nhiều cơm ít rau, ưu tiên món chiên, xào, kho mặn. Trẻ em lớn lên trong môi trường ăn uống thiếu kiểm soát, thường xuyên ăn quà vặt, bánh kẹo, nước ngọt…dẫn đến dễ bị béo phì, sớm có nguy cơ tăng huyết áp, kháng insulin, gan nhiễm mỡ.
Người lớn thì phải đối mặt với các bệnh chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, đột quỵ hoặc ung thư nếu không điều chỉnh chế độ ăn kịp thời. Chị Bùi Thị Thinh, phường Đông Gia Nghĩa chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi quen ăn mặn và kho mặn. Nhưng sau khi tìm hiểu từ nhiều chị em khác, tôi bắt đầu nấu nhạt hơn, thêm rau xanh, giảm chiên xào, tăng hấp, luộc. Sau một thời gian thay đổi cách chế biến, cách ăn, tôi cảm thấy cơ thể thay đổi dễ chịu hơn”. Còn anh Trần Văn Dũng, phường Bắc Gia Nghĩa cho biết: “Con tôi thuộc béo phì tuýp độ II. Do đó, ngoài chế độ dinh dưỡng, cả gia đình đều tham gia chơi thể thao như cầu lông, đi bộ, pickleball để con có động lực, tự tin, quyết tâm hơn”.
Theo các chuyên gia, thay đổi thói quen ăn uống, phòng bệnh từ sớm không chỉ là vấn đề của người lớn tuổi, người đã mắc bệnh mà kể cả trẻ nhỏ, thanh niên, người trung niên… Khi mỗi gia đình điều chỉnh lại chế độ ăn uống, xây dựng nếp sống lành mạnh đồng nghĩa với việc sẽ hình thành cộng đồng khỏe mạnh, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, chi phí y tế trong tương lai.
Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi chỉ có khoảng 30% dân số ăn đủ lượng rau và trái cây cần thiết mỗi ngày.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-ngay-tu-gia-dinh-383011.html