Kê đơn thuốc mạn tính tối đa 90 ngày: Lợi ích và những vấn đề cần lưu ý

Từ ngày 1-7-2025, các bệnh mạn tính điều trị ổn định trong danh mục 252 bệnh mạn tính được quy định tại Thông tư số 26/2025/TT-BYT của Bộ Y tế có thể được cấp thuốc đến 3 tháng/lần, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây.

Tuy nhiên, việc cấp thuốc dài ngày điều trị ngoại trú cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cần lưu ý.

Mở hơn cho bệnh nhân và bệnh viện

Lớn tuổi, gần chục năm “sống chung” với một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, hen suyễn nên hằng tháng, bà Nguyễn Ngọc M. (71 tuổi, ở phường Quy Nhơn Đông) lại đến TTYT Quy Nhơn để tái khám định kỳ và nhận thuốc. Ở lần tái khám vào giữa tháng 7.2025, bà M. được bác sĩ cho biết việc cấp thuốc có thể kéo dài hơn 1 tháng trong trường hợp bệnh được đánh giá ổn định.

 Trung tâm y tế Quy Nhơn tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Ảnh: M.H

Trung tâm y tế Quy Nhơn tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Ảnh: M.H

Bà M. cho hay: Trước đây, cứ tầm nửa tháng hoặc dài lắm là 1 tháng lại phải đi lấy thuốc. Mỗi lần như vậy cũng khá bất tiện vì nhà neo người, phải nhờ con cháu chở đi. Lớn tuổi, nhiều bệnh mà những bệnh này cũng ổn định thời gian khá dài rồi nên tôi có đề nghị bác sĩ cho thuốc dài hơn 1 tháng. Bác sĩ cũng đáp ứng nhưng thận trọng nên chỉ cấp thuốc hơn 1 tháng và dặn dò kỹ lưỡng việc theo dõi huyết áp tại nhà.

Nghe tin bệnh đái tháo đường của mình nằm trong danh sách bệnh mạn tính được cấp phát thuốc trên 30 ngày, ông Hoàng Văn L. (83 tuổi, ở xã Tuy Phước) phấn khởi vì tới đây sẽ đỡ đi lại. Năm ngoái, ông L. được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường, khoảng 2 - 3 tuần lại phải xuống BVĐK tỉnh Bình Định (nay là BVĐK trung tâm tỉnh Gia Lai) để lấy thuốc.

Theo các cơ sở y tế, với Thông tư số 26/2025/TT-BYT ngày 30.6.2025 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, điểm nổi bật là với 252 bệnh mạn tính được cho phép kê đơn thuốc ngoại trú lên đến 90 ngày, khác biệt lớn so với giới hạn 30 ngày theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT trước đây.

Bác sĩ CKII Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT Quy Nhơn, cho rằng, điều này “mở” cho cả bệnh nhân và bệnh viện. Đối với bệnh thuộc danh mục 252 bệnh mạn tính, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, người kê đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày. Người thầy thuốc đánh giá tình trạng lâm sàng ổn định, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc thì cho phép kê đơn tối đa lên 90 ngày.

Danh mục 252 bệnh này không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, rối loạn lo âu, trầm cảm… mà còn mở rộng sang nhiều bệnh khác như viêm gan vi rút B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết. Hay các bệnh về máu và miễn dịch như thalassemia, thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, parkinson, alzheimer, sa sút trí tuệ…

Không phải ai cũng được kê thuốc dài ngày

Triển khai thực hiện Thông tư số 26/2025/TT-BYT của Bộ Y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ các nội dung quy định đến toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý bằng hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.

 Tùy mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định kê đơn thuốc phù hợp, không phải trường hợp nào cũng được kê đơn thuốc dài ngày. Ảnh: M.H

Tùy mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định kê đơn thuốc phù hợp, không phải trường hợp nào cũng được kê đơn thuốc dài ngày. Ảnh: M.H

Để phục vụ người bệnh tốt nhất, các cơ sở khám, chữa bệnh có sự chuẩn bị cơ số thuốc cấp cho bệnh nhân. Bác sĩ Trần Kỳ Hậu cho rằng: “Để kê đơn thuốc cho bệnh nhân từ trên 30 ngày đến dưới 90 ngày thì bác sĩ phải thực hiện đánh giá tình trạng bệnh rất kỹ lưỡng, thận trọng. Tùy thuộc vào diễn biến và loại bệnh của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định kê đơn thuốc phù hợp, không phải trường hợp nào cũng được kê đơn thuốc dài ngày”.

Tại Bệnh viện Bình Định, Giám đốc chuyên môn, bác sĩ Phan Nam Hùng cho hay: Bệnh viện thực hiện rà soát thuốc mua sắm và sử dụng phần mềm quản lý có chức năng cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn. Đặc biệt, Bệnh viện còn thực hiện bình đơn thuốc hằng tháng để đánh giá tính hợp lý, phát hiện và điều chỉnh các bất cập.

Việc thực hiện kê đơn thuốc theo Thông tư số 26/2025/TT-BYT giúp tiết kiệm chi phí, giảm số lần đi lại, đỡ tốn thời gian và công sức, đặc biệt là với những bệnh nhân ở xa hoặc sức yếu. Tuy nhiên, có bất lợi là nguy cơ bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo sớm của biến chứng bệnh; với người bệnh dùng nhiều loại thuốc dẫn tới tình trạng thuốc còn, thuốc hết; chưa kể không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc.

“Hiện Bệnh viện chỉ áp dụng việc kê đơn thuốc ngoại trú lên đến 90 ngày cho các bệnh mạn tính đã được ổn định và tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế”, bác sĩ Phan Nam Hùng chia sẻ.

MAI HOÀNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ke-don-thuoc-man-tinh-toi-da-90-ngay-loi-ich-va-nhung-van-de-can-luu-y-post561112.html