Phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn
Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn là khái niệm để chỉ 1 nhóm bệnh gây ra do các loài vi khuẩn (Bacteria) hoặc độc tố của chúng, xâm nhập, lây truyền và gây ra bệnh lý chủ yếu tại đường tiêu hóa. Nhóm bệnh này có những tên gọi khác như 'Nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn' hay 'Nhiễm trùng- nhiễm độc do ăn uống'.
Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán ăn uống, thường xuất hiện dưới dạng bệnh riêng lẻ, các vụ dịch nhỏ hay trung bình với hàng chục hoặc hàng trăm người mắc, rất ít khi gặp dịch lớn. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao, nhưng tỷ lệ tử vong thường thấp.
Hiện nay có hơn 200 bệnh lây truyền qua thực phẩm, trong đó 1 tỷ lệ không nhỏ là các bệnh gây ra do các loài vi khuẩn. Ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm do vi khuẩn rất phổ biến ở các cộng đồng dân cư có đời sống dân cư khó khăn, trình độ vệ sinh xã hội thấp, phong tục tập quán liên quan tới ăn uống, sử dụng nước sinh hoạt, vệ sinh chất thải của người và động vật chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ truyền bệnh. Đây cũng là nhóm bệnh hoàn toàn có thể chủ động trong phòng chống bằng các biện pháp đặc hiệu và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và thực hành ATTP của cộng đồng.
Các bệnh lý thường gặp do nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn: bệnh tả, bệnh viêm ruột- dạ dày, bệnh viêm cấp tiểu- đại tràng do vi khuẩn và độc tố ruột, bệnh viêm dạ dày- tiểu tràng cấp và nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố tụ cầu vàng, bệnh nhiễm độc tố độc thịt gây viêm dạ dày, ruột và nhiễm độc cơ quan thần kinh và toàn thân, bệnh viêm dạ dày- ruột kiểu tả hoặc tiêu chảy có hội chứng lỵ, hội chứng viêm ruột, viêm não, màng não hay nhiễm khuẩn huyết.
Nguyên tắc và biện pháp trong dự phòng và xử lý NĐTP do vi khuẩn:
-Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân đặc biệt là vệ sinh bàn tay;
- Sử dụng hóa chất diệt khuẩn phù hợp, đúng lúc, đúng liều lượng và không được lạm dụng. Kết hợp các phương pháp diệt khuẩn vật lý, cơ học, sinh học.
- Thực hiện “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn” hoặc áp dụng “5 chìa khóa an toàn thực phẩm” của Tổ chức Y tế Thế giới( WHO) khuyến cáo.
- Dự phòng đặc hiệu với một số tác nhân vi khuẩn gây ra NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm có vắc- xin phòng bệnh khá hiệu quả như Vibrio cholerae hay Shigella.
- Giáo dục, tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hành ATTP có liên quan đến NĐTP. Ưu tiên giáo dục chuyển đổi hành vi ở nhóm người có nguy cơ cao bị NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
2. Mùa hè: Phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng
Bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán ăn uống như ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn/ thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ...
Các loại ký sinh trùng đi vào cơ thể qua thức ăn bị ô nhiễm sẽ chiếm sinh chất của cơ thể người, và đây chính là nguyên nhân gây nên các hội chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng thiếu máu, hội chứng viêm dạ dày, ruột, viêm tiểu- đại tràng.
Có các loại ký sinh trùng phổ biến gây bệnh truyền qua thực phẩm cho người như sau: a míp lỵ, giun tròn, giun móc, sán dây, sán lá. Các ký sinh trùng nhiễm vào thực phẩm, nước uống được đưa vào cơ thể đã phát triển nhân lên, gây bệnh cho người. Bệnh lý xuất hiện do ký sinh trùng kí sinh chiếm chất dinh dưỡng của cơ thể người hoặc kí sinh lạc chỗ gây tổn thương các cơ quan, tổ chức trong cơ thể; các chất chuyển hóa của ký sinh trùng làm rối loạn chức năng, tổn thương cơ quan trong cơ thể.
Tất cả những ký sinh trùng đều có khả năng ở trong đường tiêu hóa của người bệnh ở dạng ký sinh trùng trưởng thành, trứng hoặc ấu trùng và lây bệnh cho người khác sau khi nhiễm phải chúng (trứng hoặc ấu trùng) qua đường tiêu hóa.
Những người chế biến thức ăn thường không biết chính mình làm ô nhiễm thực phẩm, do vậy ký sinh trùng vẫn tiếp tục được thải ra môi trường làm ô nhiễm thực phẩm. Và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh truyền qua đường thực phẩm.
Nguyên tắc, biện pháp phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng:
Ký sinh trùng rất nhạy cảm với điều kiện môi trường như nhiệt độ, ánh sáng. Ký sinh trùng sẽ bị giết chết khi đun ở nhiệt độ trên 70 độ C.
Bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể phòng chống hiệu quả. Để phòng chống bệnh dịch cần thực hiện các biện pháp như sau:
-Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; quản lý phân tốt, không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.
- Đảm bảo vệ sinh nguồn nước ăn, nước rửa không bị ô nhiễm ký sinh trùng.
- Thực hiện “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn” hoặc áp dụng “5 chìa khóa an toàn thực phẩm” của Tổ chức Y tế Thế giới( WHO) khuyến cáo.
- Giáo dục, tuyên truyền cộng đồng thường xuyên để nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành ATTP có liên quan tới NĐTP. Thực hiện ăn chính, uống chín.
- Điều tra kịp thời ca bệnh, vụ NĐTP, phát hiện sớm nguồn gốc lây nhiễm và căn nguyên ký sinh trùng để có hướng xử trí đúng đắn với người bệnh, nguồn bệnh, yếu tố truyền nhiễm và người lành có nguy cơ mắc.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra ATTP chuỗi cung cấp thực phẩm, vệ sinh thú y, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ở mọi cấp độ, mọi thời gian và mọi địa bàn.