Phòng, chống cháy nổ dịp đầu năm

Hằng năm, vào thời điểm mùa hanh khô và sau Tết Nguyên đán, thường xảy ra nhiều vụ cháy nổ tại các khu vực đông dân cư, các khu nhà trọ, khu vực chợ,… bởi nhu cầu sử dụng điện, chất đốt cao.

Hằng năm, vào thời điểm mùa hanh khô và sau Tết Nguyên đán, thường xảy ra nhiều vụ cháy nổ tại các khu vực đông dân cư, các khu nhà trọ, khu vực chợ,… bởi nhu cầu sử dụng điện, chất đốt cao.

Trong đó, các vụ cháy nổ do chập điện, sử dụng gas, chất đốt không an toàn được coi là những nguyên nhân hàng đầu. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ còn do sự thiếu ý thức của người dân trong sử dụng các thiết bị điện, đốt vàng mã; các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu chung cư, trung tâm thương mại,… không được lắp đặt theo tiêu chuẩn hoặc bảo dưỡng, bảo trì định kỳ… Ðiển hình như vụ cháy một đại lý bán xe máy và cơ sở bán giày dép ở phường An Phú, TP Thuận An (Bình Dương) gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Vụ cháy nhà do đốt vàng mã xảy ra tại phố Tam Khương (Ðống Ða, Hà Nội) khiến bốn người chết. Hay gần đây nhất là vụ cháy đã xảy ra tại kho xưởng của cơ sở chế biến gỗ Phúc Thành, phường Trần Lãm, TP Thái Bình (Thái Bình)…

Trước những thiệt hại to lớn do các vụ cháy nổ gây ra, các ban, ngành chức năng các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCCC. Người đứng đầu các đơn vị, ban, ngành phải chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho cán bộ, nhân viên; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động PCCC; quản lý và duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở hoặc đội PCCC chuyên ngành; đề xuất xử lý hoặc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCC; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về PCCC. Tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn về PCCC tại những địa phương thường xuyên xảy ra cháy nổ. Tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại, đánh giá mức độ an toàn PCCC tại các cơ sở…

Ðể phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, đơn vị có liên quan để điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về PCCC. Tiếp tục hướng dẫn công an các địa phương triển khai các chuyên đề kiểm tra an toàn PCCC. Nghiên cứu xây dựng nghị quyết của Chính phủ về thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh - trật tự cơ sở. Triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu cảnh báo cháy nhanh; hoàn thành đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe ô-tô chữa cháy cỡ nhỏ sử dụng trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tại Việt Nam"…

Minh Nghĩa (Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/phong-chong-chay-no-dip-dau-nam-637638/