Phòng, chống cháy nổ: Đừng chỉ trông chờ lực lượng chuyên nghiệp
Phòng chống cháy nổ luôn là vấn đề thời sự cần đặc biệt quan tâm. Đây là trách nhiệm không của riêng ai mà của toàn xã hội, quan trọng là ý thức chủ động phòng ngừa của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và người dân.
Đợt tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, chung cư, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người đông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới đây đã cho thấy nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.
Phổ biến là việc lắp đặt, đấu nối hệ thống điện tự phát trong nhà gây nguy cơ chập, cháy cao; thiếu hoặc lối thoát nạn qua cầu thang bộ không đảm bảo; chưa trang bị đầy đủ bình chữa cháy xách tay và xây dựng phương án chữa cháy theo quy định.
Thực tế cho thấy, phần lớn nguyên nhân cháy xuất phát từ sự cố về hệ thống thiết bị điện hoặc sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Chính vì vậy, các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết.
Anh Đỗ Mạnh Cường, chủ nhà trọ cho thuê ở tổ 15, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho biết: Việc kiểm tra, nhắc nhở của lực lượng liên ngành giúp chúng tôi nâng cao ý thức về PCCC, chủ động trang bị thêm mặt nạ phòng độc, thang dây và bình chữa cháy. Đồng thời nhắc nhở mọi người trong khu trọ thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, ngắt các thiết bị dùng điện trước khi ra khỏi phòng.
Theo đánh giá, phương châm ứng phó với “hỏa tặc” hiệu quả nhất chính là “phòng cháy hơn chữa cháy”. Khi xảy ra cháy, nhất là ở khu đông dân thì lực lượng chức năng dù có nhanh đến mấy cũng khó có thể dập lửa, cứu người ngay mà chủ yếu là chống cháy lan. Người dân chính là lực lượng xử lý tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải có những kỹ năng cơ bản nhất về PCCC để xử lý hiệu quả, kịp thời, không để sự cố nhỏ bùng phát thành đám cháy lớn.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh phong trào Toàn dân PCCC. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng chữa cháy ban đầu và kỹ năng thoát nạn cho người dân khi xảy ra cháy; xây dựng mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, như “Tổ liên gia an toàn PCCC”, điểm chữa cháy công cộng; vận động các gia đình mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị bình chữa cháy...
Thống kê cho thấy, đến nay đã có gần 40% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trang bị bình chữa cháy xách tay; có 2.336 đội dân phòng được xây dựng mới, kiện toàn với 27.817 đội viên tại 2.336 khu dân cư, tổ dân phố. Các địa phương đã xây dựng được tổng cộng 520 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC; 2.262 mô hình điểm chữa cháy công cộng và tổ chức nhiều đợt diễn tập mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Bá Thắng, Tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), nhận xét: “Sau gần 1 năm thành lập, mô hình tổ liên gia an toàn PCCC của tổ dân phố 4 đã phát huy hiệu quả rất tốt. Chúng tôi trang bị hệ thống chuông báo cháy, bất cứ gia đình nào xảy ra sự cố thì các hộ liền kề sẽ kịp thời ứng cứu bằng các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Nhờ vậy đã có 2 vụ chập điện được xử lý, không lây lan thành đám cháy lớn”.
Có thể khẳng định, tinh thần cảnh giác, sự chủ động phòng ngừa, ứng phó với “giặc lửa” là yếu tố quyết định hiệu quả công tác PCCC. Cùng với lực lượng chuyên nghiệp, mỗi cơ quan, đoàn thể và người dân cần tích cực, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, các phương tiện cần thiết và thường xuyên thực tập phương án ứng phó để hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra.