Phòng chống cháy, nổ tại các di tích: Vấn đề cần quan tâm

Di tích lịch sử - văn hóa liên tục chịu sự tác động từ các yếu tố khách quan bên ngoài, hoặc từ môi trường tự nhiên hoặc từ con người. Điều đó đã, đang và sẽ khiến cho các di tích bị hư hại, xuống cấp, thậm chí là bị hủy hoại chỉ vì một vài phút bất cẩn.

Khách thập phương dâng hương tại lăng mộ Vua Lê Thái tổ, trong Khu di tích Lam Kinh.

Đợt nắng nóng cao điểm, kéo dài cả chục ngày qua là một trong những nguy cơ có khả năng gây cháy cho các di tích. Trong đó, các di tích nằm dưới tán rừng như Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thì nguy cơ càng cao. Di tích Lam Kinh nằm giữa 165 ha rừng đã phủ kín, khép tán và phát triển xanh tốt. Do diện tích lớn, lại nằm cạnh khu dân cư và đất canh tác của người dân, nên nguy cơ cháy rừng từ việc đốt lá, dọn bãi trồng mía vẫn luôn thường trực. Chính vì lẽ đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng và bám địa bàn thực hiện quản lý rừng “tận gốc” luôn được chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh quan tâm triển khai thực hiện. Song song với đó, công tác phòng chống cháy, nổ (PCCN) tại di tích cũng được chú trọng.

Trao đổi với ông Vũ Đình Sỹ, phó trưởng ban phụ trách, Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh, chúng tôi được biết: Để công tác PCCN đạt kết quả, ban quản lý di tích đã tích cực phổ biến và tuyên truyền kiến thức, pháp luật về PCCN cho cán bộ, viên chức và người lao động. Thực hiện truyền thông trên hệ thống truyền thanh của đơn vị; có các bản tin về PCCN gửi phát tại các đài địa phương để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, du khách. Cùng với đó, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra độ an toàn của hệ thống điện, kiểm tra nhắc nhở đóng ngắt điện trước giờ nghỉ hoặc sau khi mất điện; kiểm tra việc sử dụng nguồn lửa trong khu di tích; kiểm tra việc ngăn cháy, chống cháy lan từ các vật liệu dễ cháy, nguồn cấp nước chữa cháy, các trang bị phương tiện chữa cháy; kiểm tra hồ sơ sổ sách theo dõi quy trình PCCN, biên bản tự kiểm tra; kiện toàn đội thường trực phòng cháy và chữa cháy và rà soát củng cố và thực tập phương án chữa cháy...

Còn nhớ, vụ hỏa hoạn xảy ra tại đền thờ Trung Túc vương Lê Lai (hay đền Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) cách đây dăm năm, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác PCCN tại các di tích. Từ đó đến nay, Thanh Hóa chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào tương tự. Song, điều đó cũng không thể khẳng định, nguy cơ tại các di tích đã được kiểm soát hoàn toàn. Với hơn 1.535 di tích các loại, trong đó, nhiều di tích cổ có tuổi thọ hàng trăm năm, nhiều di tích đang đối diện với tình trạng mai một, xuống cấp và đặc biệt, nhiều di tích sử dụng vật liệu gỗ là chủ yếu (như Lam Kinh), hoặc một phần bằng gỗ hay các vật liệu dễ bắt lửa. Thực trạng hao mòn của nhiều di tích, khiến bản thân nó chẳng khác nào một “mồi lửa”, mà chỉ một sơ suất nhỏ của con người, hoặc một tác động từ môi trường (sấm sét), cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Do việc phân cấp quản lý theo hạng di tích, nên nhiều di tích hiện đang nằm dưới sự quản lý của chính quyền hoặc ban quản lý cấp huyện, xã. Đồng thời, cũng có không ít di tích được địa phương “khoán” hẳn cho thủ từ trông coi. Chính vì lẽ đó, việc quản lý, kiểm tra, nắm bắt các nguy cơ cháy nổ là khá khó khăn. Đó là chưa nói đến những cái khó về xây dựng hồ sơ theo dõi công tác PCCN, huấn luyện nghiệp vụ PCCN hay trang bị các kiến thức về PCCN cho đối tượng này. Trong khi đó, nhận thức về vai trò của công tác PCCN, thì không phải ở đâu và lúc nào cũng được đề cao, được thực hiện một cách nghiêm túc. Ngoài ra, các trang thiết bị phục vụ công tác PCCN tại các di tích – không kể những di tích trọng điểm như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ - hiện vẫn chưa thể đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Ngoài các yếu tố thời tiết như nắng gió, mưa bão, sấm sét; hoặc do kẻ gian cố tình phá hoại; thì không thể phủ nhận một nguy cơ lớn dẫn đến cháy nổ tại các di tích hiện nay là do con người. Đó là việc dâng hương, đốt vàng mã của khách thập phương những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là những ngày lễ hội. Cứ mỗi độ lễ, tết là nhiều di tích như Am Tiên, Phủ Na, Cửa Đạt, đền Sòng, chùa Hàn Sơn... lại biến thành cái “chảo nhiệt” khổng lồ. Hàng nghìn người chen chân trong các gian thờ chật chội, nghi ngút hương khói, cạnh các khu hóa vàng, hóa sớ luôn nóng rực. Gặp những ngày hanh khô, tàn lửa theo gió bay khắp nơi, khiến các di tích chẳng khác nào nằm trên đống lửa. Mặc dù hiện nay, các địa phương, các ban quản lý di tích liên tục cảnh báo và yêu cầu du khách không thắp hương, không đốt vàng mã trong di tích. Tuy nhiên, lên đền, lên chùa mà không thắp được một nén hương là chưa phải; hay chẳng ai lại mang tờ vàng cánh sớ từ đền chùa về nhà để hóa. Thành thử, hương vẫn thắp (dù là ngoài sân) và sớ, vàng mã vẫn đốt, nên nguy cơ cháy tại các di tích vẫn luôn thường trực, hết năm này qua năm khác.

...

Trước thực trạng nêu trên, mới đây nhất, ngày 4-5-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn 1458/SVHTTDL-DSVH về việc tăng cường PCCN tại bảo tàng và di tích năm 2019, gửi đến các địa phương, đơn vị liên quan. Công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị kiểm tra, đánh giá công tác PCCN tại các di tích, đặc biệt là các di tích kiến trúc gỗ và các di tích là điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thường xuyên đốt hương, nến, vàng mã. Từ đó, nghiêm cấm các hành vi mê tín dị đoan, hạn chế đốt vàng mã, thắp hương, nến; đồng thời quy định cụ thể nơi hóa hương vàng phải cách xa di tích và không có nguy cơ gây hỏa hoạn. Ngoài ra, ngành chức năng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị cần quan tâm và đầu tư phương án, phương tiện, lực lượng phòng cháy tại di tích, nhằm bảo đảm an toàn di tích, môi trường và cảnh quan.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phong-chong-chay-no-tai-cac-di-tich-nbsp-van-de-can-quan-tam/103493.htm