Phòng, chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra một số vụ điện giật, cháy ảnh hưởng đến tính mạng người dân, thậm chí phát sinh cháy, nổ gây thiệt hại lớn về tài sản. Qua phân tích, có thời điểm có tới trên 73% số vụ cháy, nổ xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn điện sau công tơ vẫn đang bị bỏ trống.
Thành phố Hà Nội đã quyết liệt vào cuộc, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc để thực hiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng ý thức, nhận thức của một bộ phận người dân, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ khắc phục các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công trình thấp. Còn nhiều cơ sở chưa thực hiện khắc phục hoặc đã khắc phục nhưng chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, đặc biệt là các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, như: nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất...
Để chủ động phòng ngừa các tai nạn, sự cố liên quan tới cháy nổ, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân: Đối với văn phòng làm việc, hộ gia đình, hệ thống điện được lắp đặt phải bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị, được nối đất an toàn theo quy định; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Khi lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện, người dân phải tính toán lại công suất của hệ thống điện để tránh quá tải; vị trí lắp đặt, bố trí thiết bị điện phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Người dân sử dụng dây dẫn điện có tiết diện nhỏ hơn tiết diện yêu cầu của thiết bị tiêu thụ điện, dây có cách điện không đảm bảo; không câu mắc đấu nối dây điện tùy tiện.
Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, được đặt trong ống gen, máng cáp; dây dẫn đi qua khu vực ẩm ướt phải có giải pháp chống chạm, chập; tại vị trí tiếp giáp với thiết bị vật dụng dễ chảy, nổ phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy. Không để vật dụng, vật tư, hàng hóa trực tiếp dưới, gần thiết bị tiêu thụ điện; vi phạm khoảng cách tối thiểu 0,5m.
Đối với sạc xe điện, pin, sạc dự phòng, điện thoại, máy tính khi không có người ở nhà, không sạc qua đêm. Ngắt các thiết bị điện không cần thiết khi hết giờ làm việc, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.
Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Công an thành phố Hà Nội yêu cầu, tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện các nội quy bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong cơ quan, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy.
Khi thiết kế thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị điện, phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; thiết bị điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải là loại thiết bị an toàn về cháy, nổ. Hệ thống, thiết bị điện lắp đặt trong nhà, công trình phải được kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, sản xuất, hệ thống điện cho chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy. Phải ngắt tất cả thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn điện (tắt công tắc, cầu dao, attomat, rút phích cắm ra khỏi ổ cắm điện) khi không sử dụng. Lắp đặt thiết bị bảo vệ cho từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn và toàn bộ hệ thống điện chung. Không tự ý câu móc điện tùy tiện để tránh hiện tượng quá tải gây chập cháy. Đảm bảo khoảng cách an toàn trong sắp xếp vật tư, hàng hóa, dây chuyền công nghệ, đặc biệt là loại dễ cháy phải bảo đảm khoảng cách an toàn đến các thiết bị điện, đường dây dẫn điện (tối thiểu 0,5 m).
Chủ cơ sở cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế để khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị hư hỏng, không an toàn; tăng cường công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Ngoài nâng cao ý thức người dân, Công an thành phố Hà Nội cũng đưa ra những kỹ năng xử lý đám cháy thiết bị điện. Theo đó, khi phát hiện ra đám cháy phát sinh từ các thiết bị điện, phải lập tức ngắt cầu dao của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện của toàn bộ ngôi nhà. Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy xách tay dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa… nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện).
Trong mọi trường hợp khi có cháy nổ xảy ra, người dân phải gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số máy 114 và Công an phường gần nhất.