Phòng chống Covid-19: Sức khỏe mới quan trọng, nghỉ học hay đi học lăn tăn làm gì!
Điều mà phụ huynh của gần 2 triệu học sinh ở TP HCM lo lắng đã được giải tỏa khi cuối giờ chiều 14-2, TP HCM tiếp tục cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học đến hết ngày 29-2, để phòng dịch viêm đường hô cấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra.
Ngoài ra, UBND TP HCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP được nghỉ học đến hết tháng 3-2020. Ngành giáo dục TP HCM sẽ điều chỉnh chương trình, theo đó học kỳ 2 sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7-2020.
Quyết định này đúng về mặt khoa học dịch tễ lẫn tâm lý, bởi không thể mạo hiểm với sức khỏe, tính mạng của gần 2 triệu học sinh ở TP HCM; nên được đông đảo phụ huynh đồng tình, hoan nghênh.
Dịch Covid-19 hiện vẫn chưa phải là ở giai đoạn đỉnh điểm, cả ở Vũ Hán (Trung Quốc) lẫn ở Việt Nam và các quốc gia khác vẫn ở giai đoạn bùng phát.
Tại nước ta, công tác chống dịch Covid-19 đang có những chuyển biến khả quan nhưng những ca nhiễm mới vẫn tiếp tục xuất hiện và những diễn biến khác rất khó lường.
Trong khi đó ngành y tế và giáo dục đã chuẩn bị tốt cho công tác phòng dịch Covid-19 trong nhà trường chưa?
Chỉ nói riêng vấn đề học sinh có nên mang khẩu trang trong trường học hay không, quan điểm của Bộ Y tế cũng gây tranh cãi. Trong công văn hôm 13-2, gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế khẳng định: "Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết".
Tư vấn này của Bộ Y tế càng làm nhiều người băn khoăn, vì trong nhiều chỉ thị, thông báo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đều yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở chỗ đông người. Vậy tại trường học, lớp học không phải là nơi đông người?
Nếu nghe theo tư vấn của Bộ Y tế, lỡ có trường hợp lây nhiễm Covid-19 do chủ quan không mang khẩu trang thì sao? Còn nếu các trường học cẩn thận, buộc tất cả thầy cô giáo và học sinh đeo khẩu trang, liệu thầy trò có chịu nổi việc mang khẩu trang đúng cách liên tục trong 4 giờ và làm sao dạy và học?
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 14-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại… An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh... Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học".
Cho đến hết ngày 14-2, nước ta có 33 trường đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học. Sáng 14-2, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội (gồm 11 trường thành viên) thông báo cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 2, ĐH Luật Hà Nội cũng thông báo cho sinh viên, học viên tiếp tục nghỉ đến hết ngày 23-2.
Với học sinh mầm non, phổ thông, tính đến 17h ngày 14-2, đã có 23 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17-2. Vĩnh Phúc tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Hà Nội tiếp tục cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần, đến 23-2… Trong khi đó, ngày 14-2, Bộ GD-ĐT lại có công văn số 431/BGD-ĐT/GDTC đề nghị các địa phương xem xét tiếp tục cho sinh viên, học sinh nghỉ học đến hết tháng 2-2020!
Trong khi đó ở nước ngoài, Trung Quốc hiện vẫn tạm thời đóng cửa trường; Đài Loan cũng làm tương tự đến giữa tháng 3; Hồng Kông đóng cửa trường học 2 tuần.
Một thông tin khác: Nhật Bản (có 254 ca nhiễm Covid-19), Singapore (67 ca), Hàn Quốc (27 ca), Thái Lan (32 ca), Malaysia (18), Úc (13 ca) nhưng hầu hết trường học ở các quốc gia này vẫn hoạt động. Điều quan trọng là họ đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để hạn chế dịch lây lan. Kinh nghiệm của các quốc gia này trong ứng xử với dịch Covid-19 rất đáng được quan tâm.
Như vậy vấn đề quan trọng nhất trong việc quyết định cho học sinh, sinh viên trở lại trường học là hai tuần qua ngành giáo dục, ngành y tế, các cơ sở giáo dục đã làm tốt công tác tổ chức phòng dịch chưa; có làm cho phụ huynh an tâm, cả về mặt tâm lý lẫn khoa học?
Theo chúng tôi, cho đến khi nào công tác phòng dịch trong trường học được tổ chức thật tốt thì mới cho học sinh trở lại trường học, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo "là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại". Còn như tình trạng hiện nay, nên để học sinh tiếp tục nghỉ học 1-2 tuần nữa, là hợp lý, an toàn và khoa học, để các cơ sở giáo dục đủ thời gian tổ chức công tác phòng dịch một cách tốt nhất có thể.
Ngành giáo dục có 3 tháng hè, nghỉ 1 tháng phòng dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học, nhưng việc nghỉ học đảm bảo an toàn cho con em chúng ta, thì nên làm và phải làm!