Phòng chống, dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Huyện Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.
Phù Yên có trên 120 nghìn gia súc các loại, năm 2023, toàn huyện xảy ra 2 đợt dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng tại 11 xã, trọng lượng buộc phải tiêu hủy khoảng 26,6 tấn. Thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Tứ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm chủ động phối hợp cùng các địa phương tiến hành rà soát, hướng dẫn người chăn nuôi phát hiện sớm các dấu hiệu gia súc nhiễm bệnh. Chủ động tiêm vắc-xin lở mồm long móng; tụ huyết trùng; tả lợn châu Phi… cho đàn vật nuôi; chuẩn bị các loại vật tư, hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời, tham mưu UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và PTNT giao các địa phương, các bản, tiểu khu phối hợp thực hiện việc giám sát vùng dịch, vận chuyển vật nuôi bị bệnh. Từ đó, kịp thời khoanh vùng ngay nếu có dịch bệnh xảy ra.
Hiện nay, huyện Phù Yên đã mua và dự trữ trên 30.000 liều vắc-xin, hóa chất phục vụ phòng, chống các loại dịch bệnh. Chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển vật nuôi bị bệnh, bị chết; không giết mổ, tiêu thụ; không vứt ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho vật nuôi ăn). Đồng thời, tuyên truyền nông dân bổ sung thức ăn tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa; thường xuyên vệ sinh chuồng, trại chăn nuôi, hạn chế nguy cơ vật nuôi bị nhiễm bệnh.
Đối với các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, phát triển chăn nuôi được xem là hướng đi trọng tâm trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do nhân dân chủ yếu chăn nuôi theo hình thức chăn thả, nên khó kiểm soát việc vận chuyển vật nuôi. Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn.
Ông Cầm Văn Chiên, Chủ tịch UBND xã Tường Tiến, thông tin: Xã có trên 2.000 con đại gia súc, khoảng 1.500 con lợn. UBND xã chỉ đạo Ban quản lý các bản, các nhóm liên gia tự quản về ANTT phát huy vai trò tự quản, theo dõi việc giết mổ, vận chuyển vật nuôi. Kiên quyết xử lý các cơ sở giết, mổ gia súc trái phép, các hộ vận chuyển vật nuôi không rõ nguồn gốc vào địa bàn. Đồng thời, báo cáo kịp thời UBND huyện khi xảy ra dịch bệnh.
Trong tháng 8/2023, xã Mường Do xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Nhờ chủ động theo dõi và phát hiện sớm lợn bị ốm, kịp thời cách ly, nên hạn chế được dịch bệnh lây lan. UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khẩn trương tiêu hủy 114 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng trên 2.724kg, không để bệnh dịch lan rộng.
Ông Hà Văn Tư, bản Do, xã Mường Do, cho hay: Gia đình tôi nuôi trên 120 con lợn. Rút kinh nghiệm từ nhiều đợt bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi, tôi thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi; xây hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường, vừa có chất đốt phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, gia đình chú trọng bổ sung thức ăn, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra.
Các cơ quan chức năng huyện Phù Yên đã và đang tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thấp nhất các loại dịch bệnh phát sinh, bảo đảm công tác chăn nuôi được duy trì và phát triển ổn định, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phong-chong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-gNqr2oJSg.html