Phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm: Cách làm từ các trang trại
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã (HTX), hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung quy mô trang trại. Qua đó, góp phần phòng, chống các loại dịch bệnh có thể phát sinh trên đàn gia cầm, tránh những rủi ro trong chăn nuôi, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những HTX điển hình, có quy mô chăn nuôi gia cầm lớn trên địa bàn tỉnh, HTX Thành Lộc, ở thôn Nà Vàng, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đặc biệt quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Anh Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX nuôi trên 2.600 con gà 6 ngón. Để phòng ngừa dịch bệnh, HTX đã chủ động chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP. Theo đó, các khu nhà sinh sản, nhà nuôi gà hậu bị được xây dựng chuồng kín; nhà úm gà, khu ấp trứng đều được thiết kế riêng biệt. Không chỉ đảm bảo các quy trình trong vệ sinh chuồng trại, sau khi tiến hành thụ tinh nhân tạo, trứng gà đẻ ra sẽ được bảo quản trong nhà lạnh sau đó phun khử trùng cho vào máy ấp trứng, máy nở. Đặc biệt, ngay khi gà được 1 ngày tuổi, HTX tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh và đến 21 ngày tuổi, trước khi xuất bán, gà con sẽ được tiêm đủ 6 loại vắc xin nhằm tăng sức đề kháng. Nhờ đó, đàn gia cầm phát triển khỏe mạnh, không phát sinh dịch bệnh, trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường trên 1 vạn con gà giống.
Tương tự HTX Thành Lộc, hiện HTX Sản xuất và dịch vụ Nam Phú, thôn Chi Mạc, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đang nuôi gần 1.000 con gà và vịt theo mô hình trang trại khép kín. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, HTX luôn đã chủ động phun thuốc tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trang trại, phương tiện vận chuyển ra, vào trại chăn nuôi, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, HTX thực hiện nghiêm việc giám sát chặt chẽ phương tiện, khách ra, vào trang trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra, vào trang trại…
Ngoài 2 HTX trên, thời gian qua, các trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện trên toàn tỉnh có 10 trang trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, các trang trại chăn nuôi đều ứng dụng công nghệ tiên tiến và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đến nay đều hoạt động hiệu quả. Qua chia sẻ của các chủ trang trại, HTX chăn nuôi gia cầm, bên cạnh chăn nuôi khép kín đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thú y, các trang trại thường bố trí khu vực nuôi nhốt riêng biệt cho giống mới nhập, sau ít nhất 23 ngày trở lên, đàn gia cầm không có biểu hiện của bệnh thì mới nhập đàn. Cùng đó, sau mỗi lứa xuất bán, các trang trại đều để trống chuồng 15 ngày để tổng vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc, sau đó mới tái đàn lứa mới.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh cho biết: Với những giải pháp cụ thể được triển khai để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, các trang trại đều đã thực hiện liên kết sản xuất từ khâu cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… Qua đó, góp phần đổi mới hình thức tổ chức, tạo chu trình khép kín trong chuỗi giá trị trong chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, nhất là giảm các loại bệnh có thể phát sinh trên đàn gia cầm, từ đó thúc đẩy chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững.