Phòng, chống dịch Covid-19: Những ngày nghỉ lễ không được chủ quan, lơ là
Bộ Y tế (YT) vừa gửi văn bản khẩn đến UBND các tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống (PC) dịch Covid-19. Theo đó, còn gần 2 tuần nữa là dịp người dân nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 01-5 với thời gian dài, thường đến các điểm vui chơi giải trí theo nhóm đông người để giao lưu..., vì thế theo khuyến cáo, rất cần nâng cao công tác phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, khử khuẩn.
Dịch bệnh có xu hướng tăng
Chuyên đề Công an TPHCM đã đưa tin về biến thể phụ XBB.1.5 xuất hiện tại TPHCM, theo đó Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến cuối tuần qua số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ. Tại TPHCM tính từ đầu tháng 3-2023 đến nay, trường hợp mắc mới ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày, trong tuần từ 06 đến 12-4-2023 có 6 bệnh nhân (BN) mắc Covid-19; trong đó, ngày 12-4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13-4 là 7 ca. Hiện đang có 12 BN nằm điều trị tại bệnh viện (BV), không có ca nặng phải thở máy.
Trong vòng 4 tuần trước đó (từ 06-3- đến 02-4-2023), trên phạm vi toàn cầu ghi nhận gần 3,3 triệu ca mắc mới và hơn 23 ngàn trường hợp tử vong, giảm lần lượt 28% và 30% so với 28 ngày trước đó (từ 06-2 đến 05-3-2023). Tuy tổng số ca mắc mới có xu hướng giảm trên toàn cầu, với 74 quốc gia (chiếm 31% tổng số nước) ghi nhận số ca mắc mới tăng từ 20% trở lên trong cùng khoảng thời gian khảo sát, nhưng với xu thế giảm thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán trong giai đoạn hiện nay, cũng như chậm trễ trong việc báo cáo ở nhiều quốc gia, vì thế số liệu mắc mới được báo cáo không đầy đủ, do đó cần lý giải về biến đổi số ca một cách thận trọng.
Sở Y tế TPHCM đã ban hành Công văn (CV) 2712/SYT-NVY ngày 13-4-2023 chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cùng tất cả cơ sở YT công lập và ngoài công lập khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường PC dịch; trong đó nhấn mạnh HCDC tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch Covid-19, chùm ca mắc bệnh này, chùm ca viêm hô hấp, phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV 2 đang lưu hành. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt với các nhóm có nguy cơ cao.
Ngành Y tế TPHCM kêu gọi người dân TP nâng cao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên), đặc biệt nhóm có yếu tố nguy cơ cao, đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu chưa tiêm và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng quy định.
Về thu dung điều trị, tất cả BV trên địa bàn TPHCM sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, bảo đảm thường trực 24/24 giờ để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Các BV đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung, điều trị BN Covid-19 tại khoa/đơn vị Covid-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là BV tuyến cuối điều trị BN Covid-19 nặng, nguy kịch; các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TPHCM sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị trường hợp BN có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm Covid-19 theo chuyên khoa do BV tuyến dưới chuyển đến. Bệnh viện dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi dịch bệnh diễn tiến xấu. Tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ YT, vận động người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng.
Trước đó, ngày 12-4-2023 Bộ YT có Văn bản khẩn 2116/BYT-DP về tăng cường PC dịch Covid-19. Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch Covid-19 trong nước có xu hướng tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày vừa qua (từ 05 đến 11-4-2023), cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong số này, nhóm 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Trường hợp nhập viện cũng có xu hướng tăng, số BN nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình 1-2 ca mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Cũng theo Bộ YT, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi-rút, những biến thể mới trong tương lai. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong, bao gồm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này. Một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc dẫn đến gây nguy cơ "dịch chồng dịch".
Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là
Để tiếp tục chủ động các biện pháp PC dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, Bộ YT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PC dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp PC dịch theo Nghị quyết (NQ) 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 của Chính phủ và Kế hoạch PC bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định (QĐ) 1331/QĐ-BYT ngày 10-3-2023 của Bộ YT.
Thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là với nhóm có nguy cơ cao. Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra. Tăng cường triển khai các biện pháp PC dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại cửa khẩu, trong các cơ sở YT và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ YT để chủ động phát hiện sớm những biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo NQ128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ, QĐ218/QĐ-BYT ngày 27-01-2022 của Bộ YT hướng dẫn tạm thời về chuyên môn YT thực hiện Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19" để kịp thời áp dụng các biện pháp PC dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Bộ YT cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với những nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng phương án thu dung, điều trị BN và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị. Tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác PC dịch.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu PC dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở YT, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới. Tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc-xin, bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao sự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.