Phòng, chống dịch cúm mùa - chủ động bảo vệ sức khỏe nhân dân
Thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng. Trước thực tế này, các địa phương, cơ quan chức năng trong tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Tại khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Bình số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng. Hiện, Trung tâm đang điều trị cho ba bệnh nhi có triệu chứng sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi. Con trai chị Lương Thị Hiền ở xã Đại Đồng nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật. Sau ba ngày điều trị, sức khỏe cháu bé đã dần hồi phục.
Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, huyện Yên Bình ghi nhận 17 ca mắc cúm. Các trường hợp mắc bệnh đều được đội phản ứng nhanh xử lý, hướng dẫn chăm sóc y tế và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo 20 trạm y tế xã và 3 phòng khám đa khoa khu vực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Cùng đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng cúm để tạo miễn dịch, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan trong cộng đồng.
Cùng với đảm bảo công tác khám, chữa bệnh tại các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh, các trường học cũng chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch cúm mùa vì đây là nơi tập trung đông trẻ nhỏ, học sinh nên nguy cơ lây nhiễm cúm cao.
Tại Trường Mầm non Hoa Sen, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên công tác vệ sinh lớp học, bàn ghế, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa được thực hiện thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Giáo viên hướng dẫn trẻ kỹ năng rửa tay đúng cách, vệ sinh cá nhân và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Sen, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên vệ sinh đồ dùng học tập tại lớp học.
Còn tại Trường Mầm non Đào Thịnh, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên công tác phòng chống dịch cũng được đẩy mạnh. Nhà trường tăng cường tuyên truyền qua các nhóm Zalo với phụ huynh, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe và kịp thời báo cáo khi có dấu hiệu bất thường.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh, Trường Mầm non Đào Thịnh cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trấn Yên để bảo đảm trường học an toàn, lành mạnh cho trẻ, đồng thời phối hợp với trạm y tế xã trong công tác kiểm tra, chăm sóc sức khỏe học sinh.
Theo báo cáo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2025 đến ngày 11/2, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 978 ca mắc cúm. Số ca mắc chủ yếu tập trung ở huyện Mù Cang Chải (301 ca); huyện Trấn Yên (288 ca); thành phố Yên Bái (120 ca); huyện Trạm Tấu (96 ca); huyện Văn Chấn (60 ca), huyện Văn Yên (59 ca) còn lại rải rác ở các huyện Lục Yên, Yên Bình. Trong đó, đã ghi nhận 3 ổ dịch nhỏ trong trường học tại huyện Văn Chấn 2 ổ dịch và thành phố Yên Bái 1 ổ dịch. Các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm long đường hô hấp, không ghi nhận ca bệnh nặng, không có ca bệnh tử vong.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Yên Bình thăm, khám sức khỏe cho người bệnh
Trước thực trạng dịch cúm mùa gia tăng, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tham mưu và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử lý kịp thời; tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên, rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh, trong đó có vắc xin Sởi, vắc xin Sởi - Rubella... Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe người lao động, trẻ em, học sinh. UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống bệnh; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ dịch bệnh và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân.