Phòng, chống dịch trong công trình xây dựng: Siết chặt phương án '3 tại chỗ'

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND TP Hà Nội đang cho phép trên 30 công trình trọng điểm, cấp bách được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND. Tuy nhiên, sau 'sự cố' lây nhiễm Covid-19 của hàng loạt công nhân đang làm việc tại dự án cải tạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại công trường xây dựng.

Tiềm ẩn nguy cơ

Trong số trên 30 công trình trọng điểm, cấp bách được tiếp tục triển khai thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND đa phần là những công trình liên quan đến lĩnh vực: Giao thông, y tế, an ninh – quốc phòng, thoát lũ... Những công trình này đều được chủ đầu tư xây dựng phương án, kịch bản chi tiết về phòng, chống dịch trước khi được phê duyệt phương án để tiếp tục thi công; đồng thời cam kết đảm bảo “3 tại chỗ” cách ly hoàn toàn khu vực sản xuất với bên ngoài, nhưng như vậy không có nghĩa là các công trường đã được đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Dự án xây dựng cầu Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - một trong những dự án trọng điểm được thi công trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Dự án xây dựng cầu Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - một trong những dự án trọng điểm được thi công trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Đơn cử, “sự cố” về lây nhiễm Covid-19 đối với hàng loạt công nhân đang triển khai thi công xây dựng tại dự án cải tạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn phòng, chống dịch tại các công trường xây dựng đang tiếp tục được triển khai trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.

“Đến chiều 7/7, số ca F0 ở công trường cải tạo của bệnh viện đã tăng lên 32 người, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng phong, tỏa cách ly, tạm dừng thi công. Toàn bộ những công nhân chưa trở thành F0 đang được cách ly ngay tại công trình để tiếp tục theo dõi, xét nghiệm” – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hoàng Tú thông tin.

Dừng thi công nếu không đủ điều kiện

Sau khi xảy ra trường hợp lây nhiễm Covid-19 ở công trường xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục siết chặt hơn nữa phương án, kịch bản duy trì thi công bảo đảm phòng, chống dịch.

Ghi nhận ở một số công trường đang triển khi thi công, như Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên), Dự án xây dựng đường Vành đai 2 dưới thấp (đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở), Dự án hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân)... Riêng dự án đường Vành đai 2 dưới thấp và Hầm chui Lê Văn Lương chủ đầu tư đã thực hiện “3 tại chỗ” từ tháng 5/2021, trước thời điểm TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND về giãn cách xã hội.

Tại công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, có hơn 500 cán bộ, công nhân chia thành nhiều ca làm việc trên công trường để đảm bảo giãn cách. Ngoài ra, Ban quản lý dự án đã bố trí hàng chục nhà container để công nhân ăn ở, sinh hoạt tại chỗ trong công trường tránh trường hợp dịch bệnh lây lan từ bên ngoài. 7 nhà thầu lập 7 khu lán trại đối với khoảng 400 nhân sự. 100 nhân sự còn lại đi/về nơi tạm trú trong ngày, yêu cầu thực hiện nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”. Danh sách 100 nhân sự này được gửi cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát.

“Hiện nay, những công trình do Ban làm chủ đầu tư đều siết chặt hơn việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, công nhân, người phục vụ công trường không được phép đi ra ngoài. Bố trí một lực lượng riêng để đưa đồ dùng thiết yếu, lương thực – thực phẩm được đưa vào trong công trường. Do vậy, mọi phương án về phòng, chống dịch và duy trì thi công vẫn được đảm bảo” - đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, chủ đầu tư dự án cho hay.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội quyết định nới thêm thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 22/8, Sở đã tiếp tục yêu cầu lực lượng chức năng quận, huyện nơi có công trình được triển khai thi công trong thời gian này tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, việc thực hiện phương án, kịch bản vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa duy trì thi công. “Những công trình nào không đủ điều sẽ kiên quyết yêu cầu phải tạm dừng thi công” – vị này nói.

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong công trường xây dựng, nhiều ý kiến cho rằng, đối với công trình thi công có khuôn viên độc lập, đơn vị thi công phải có hàng rào khép kín xung quanh công trường để tổ chức giám sát, kiểm soát các hoạt động ra vào công trường, đáp ứng điều kiện phòng dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ. Các công trình xây dựng theo tuyến phải có biện pháp tổ chức thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến ” và phải được UBND cấp huyện nơi có công trình xây dựng chấp thuận trước khi thực hiện.

Ngày 6/8, UBND TP Hà Nội ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 23/8/2021 theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021. Trong thời gian này các công trình trọng điểm, cấp bách đã được UBND TP cho phép tiếp tục được triển khai thi công và phải siết chặt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại công trường.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phong-chong-dich-trong-cong-trinh-xay-dung-siet-chat-phuong-an-3-tai-cho-430356.html