Phòng, chống 'diễn biến hòa bình': Niềm tin vào 'khát vọng hùng cường'
'Khát vọng hùng cường' đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có mức thu nhập cao vào năm 2045 được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là niềm tin của toàn dân ta. Thế nhưng, lại có những người tỏ ra nghi ngờ về mục tiêu ấy. Thậm chí, họ còn cho rằng, đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ mà Việt Nam mới phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Như thế, 'khát vọng hùng cường' vào năm 2045 là phi thực tế?!
Có thể khẳng định nghi ngờ ấy là thiếu cơ sở. “Khát vọng hùng cường” của Việt Nam được xây dựng bằng một nền tảng thực tiễn rất đáng tin cậy.
Cần nhớ lại rằng, sau 30-4-1975, nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ vì chiến tranh. Bom đạn đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất bị phá hủy, phá hỏng nghiêm trọng... Giao thương với thế giới bị thu hẹp. Thế nhưng, từ khi Đại hội VI của Đảng đề ra quyết sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng chuyển mình. Hơn 35 năm đổi mới, những thành tựu mà nước ta gặt hái trở thành một bài học nêu gương cho nhiều quốc gia trên thế giới. Giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm. Các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010; 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương với độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới...
Ai cũng biết, việc tăng tốc từ điểm xuất phát thấp bao giờ cũng tốn thời gian và sức lực hơn. Vì thế, tất yếu, để tịnh tiến đến các thành tựu, Việt Nam cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Gần đây, tốc độ “chín” của “quả ngọt” ngày càng tăng nhanh. Tính trong thời kỳ chiến lược 2011-2020, quy mô GDP Việt Nam tăng 2,4 lần, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 là 0,704, xếp thứ 117 trong tổng số 189 nước, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.
Đặc biệt, mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tất cả các nước trên thế giới, song các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam đều rất tích cực, nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương với con số 2,91%. Việt Nam được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.
Với cơ sở vững chắc, đà phát triển mạnh mẽ cùng quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và đại đa số quần chúng nhân dân, việc Việt Nam bứt tốc để gặt hái những thành tựu lớn hơn, đưa khát vọng hùng cường trở thành sự thật sẽ hoàn toàn đạt được.
Theo Báo Quân đội nhân dân