Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Nâng nhận thức, rèn kỹ năng

Thời gian qua, tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn có diễn biến phức tạp, nhiều vụ thương tâm xảy ra trở thành nỗi đau ám ảnh của các gia đình không may có con bị tai nạn. Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè này.

Hiện nay, toàn tỉnh có 665 điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó có 168 điểm sông, 222 điểm suối, 147 điểm hồ – đập, 77 điểm ao sâu, 51 điểm ngầm tràn – bãi đá. Các địa bàn có nhiều điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em gồm: Hữu Lũng, Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng, Bình Gia, Văn Lãng và Lộc Bình.

Đồng bộ phối hợp truyên truyền

Để hạn chế tai nạn đuối nước xảy ra, các cấp, ngành đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý trẻ. Theo đó, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội đã phối hợp thực hiện hiệu quả công tác này, điển hình như Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động GD&ĐT, quản lý, chăm sóc trẻ em là học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, từ năm 2022 đến nay, sở phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn phát sóng, đăng tải hơn 1.000 tin, bài, ảnh, phóng sự về lĩnh vực giáo dục, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ, công tác bàn giao học sinh về địa phương sinh hoạt hè. Qua đó, nhằm truyền thông về công tác GD&ĐT, bảo vệ, chăm sóc, quản lý trẻ em đến các bậc phụ huynh, người dân trên địa bàn, nhất là trong dịp hè.

Giáo viên dạy kỹ năng bơi cho trẻ em tại Bể bơi Đồng Đội, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Giáo viên dạy kỹ năng bơi cho trẻ em tại Bể bơi Đồng Đội, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Cùng đó, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 5 buổi tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, 8 buổi tuyên truyền Luật Trẻ em và Nghị định số 56 ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cán bộ các cấp, ngành, các bậc phụ huynh và trẻ em trong phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em… Lực lượng cứu nạn cứu hộ cũng tích cực phối hợp với các phòng nghiệp vụ xây dựng các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước; tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng bơi, lặn cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm các điều kiện về cứu nạn, cứu hộ theo phân công, phân cấp đối với các cơ sở kinh doanh bể bơi hoặc có ao, hồ, bãi tắm.

Thượng úy Hoàng Minh Hiếu, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh cho biết: Năm 2023, cá nhân tôi đã tham gia 2 vụ CNCH, trục vớt các trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trẻ em còn thiếu nhiều kỹ năng phòng, chống nên rất mong các địa phương, gia đình, nhà trường tăng cường quản lý, giám sát trẻ em trong những ngày hè. Đồng thời tăng cường tổ chức các lớp kỹ năng bơi lội, phòng, chống đuối nước cho trẻ để hạn chế các vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống đuối nước cho trẻ nói riêng. Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Trong năm 2022, sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố khảo sát xác định các khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh để cắm biển cảnh báo cũng như tuyên truyền cho người dân, trẻ em về những điểm nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Sở cũng phối hợp tổ chức 13 lớp học bơi cho 390 trẻ em tham gia (ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn) tại các huyện, thành phố. Hiện nay, kế hoạch tổ chức các lớp bơi cũng đã được triển khai đến các huyện, thành phố để tổ chức trong dịp hè 2023.

Tăng kỹ năng phòng tránh tai nạn cho trẻ

Trên thực tế thời gian qua, tai nạn đuối nước xảy ra thường do trẻ thiếu sân chơi, không gian sống xung quanh có nhiều điểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước như: sông, suối, ao, hồ… Chính vì vậy, cùng với chú trọng tuyên truyền, các cấp, ngành đã nỗ lực tổ chức các lớp học kỹ năng cho trẻ, tăng cường cho trẻ trải nghiệm để có kỹ năng sống, tự bảo vệ mình và ứng phó với những sự việc xảy ra xung quanh. Năm 2022, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện tổ chức được khoảng 40 lớp bơi miễn phí cho trên 2.000 lượt trẻ em tham gia.

Thành phố Lạng Sơn là địa bàn có nhiều sông, suối, ao, hồ. Năm 2022 trên địa bàn xảy ra 1 vụ trẻ em tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, rèn luyện kỹ năng bơi cho trẻ em trên địa bàn được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các phòng chức năng liên quan phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức triển khai thực hiện. Trung bình mỗi năm thành phố tổ chức được 1 – 2 lớp bơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; tuyên truyền, vận động, phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Giữa tháng 5/2023, UBND thành phố đã phát động toàn dân luyện tập môn bơi để phòng chống đuối nước và khai mạc lớp bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn, trong đó ưu tiên những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại các xã, phường. Qua đó, nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và phòng, chống đuối nước, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Không chỉ có sự vào cuộc của địa phương, thời gian qua, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể cũng nỗ lực tổ chức các lớp kỹ năng cho trẻ, trong đó có Tỉnh đoàn. Chị Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Năm 2022, Tỉnh đoàn tổ chức được 3 lớp bơi miễn phí cho trên 500 thiếu nhi tham gia và tại các huyện, thành đoàn tổ chức được 18 lớp bơi miễn phí, thu hút gần 1.000 lượt thiếu nhi tham gia. Hiện nay, tổ chức đoàn – đội các cấp đã tiếp nhận, quản lý khoảng 180.000 học sinh, thiếu nhi về sinh hoạt hè tại các địa phương, Tỉnh đoàn cũng đã có kế hoạch chỉ đạo các tổ chức đoàn – đội các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vui hè, các sân chơi cho trẻ em cũng như tổ chức các lớp bơi miễn phí cho trẻ tại các địa phương.

Em Nguyễn Hoàng Khánh (9 tuổi), phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Nhà em gần sông nên ông bà, bố mẹ thường nhắc nhở không được tự ý ra sông chơi hay bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước. Năm ngoái bố mẹ đã cho em đi học bơi, đến nay em đã biết bơi và biết thêm nhiều kỹ năng khác để bảo vệ bản thân, tránh tai nạn, thương tích.

Thời gian qua, việc phát triển các cơ sở bơi trên địa bàn tỉnh cũng góp phần tổ chức các lớp bơi, nâng kỹ năng bơi cho trẻ. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40 bể bơi cố định và lắp ghép hoạt động trong dịp hè, trung bình mỗi năm có thể dạy kỹ năng bơi cho trên 1.000 trẻ em các lứa tuổi khác nhau. Trong đó, riêng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 11 bể bơi lớn tại các địa điểm như: Cung Thanh thiếu nhi tỉnh; bể bơi khách sạn Mường Thanh,…

Bà Lê Phượng Hoàn, Quản lý bể bơi Đồng Đội, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Bể bơi được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 4/2022. Vào những ngày cao điểm nắng nóng, bể bơi đón khoảng 200 lượt khách/ngày. Ngoài đảm bảo những điều kiện về cơ sở vật chất, dụng cụ an toàn, cứu hộ, cơ sở bố trí 9 nhân viên phục vụ cứu hộ có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ cứu nạn thường xuyên quan sát, nhắc nhở trẻ em, khách bơi để đảm bảo an toàn khi bơi. Từ khi hoạt động đến nay, tại bể bơi chưa có trường hợp trẻ phải cứu nạn khi đang học bơi hay trẻ đi bơi theo nhu cầu.

Chị Hoàng Thị Oanh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thấy bể bơi ở Cung Thanh thiếu nhi tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn nên rất yên tâm khi cho con học bơi và đi bơi ở đây. Gia đình cho hai cháu (12 tuổi và 9 tuổi) đi học bơi với hy vọng hai cháu sẽ có thêm kỹ năng bơi lội để phòng tránh được các tai nạn về đuối nước có thể xảy ra.

Có thể thấy rằng, phòng, chống đuối nước trong năm nói chung, thời điểm mỗi kỳ nghỉ hè nói riêng là vấn đề được lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo. Với những nỗ lực của các cấp, ngành và với việc tăng cường truyền thông, từng bước nâng ý thức của phụ huynh, học sinh, bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ em sẽ góp phần giảm những trường hợp tai nạn đuối nước đáng tiếc, đau lòng xảy ra.

Số vụ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh

– Năm 2021 có 17 trẻ tử vong do đuối nước

– Năm 2022 có 12 trẻ tử vong do đuối nước

– Trong 5 tháng đầu năm 2023 có 4 trẻ tử vong do đuối nước.

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/587048-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-nang-nhan-thuc-ren-ky-nang.html