Phòng, chống hiệu quả tội phạm từ sớm, từ xa (kỳ cuối)

Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời với vai trò 'bà đỡ' hướng dẫn về nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ, Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường phối hợp chặt chẽ. Không chỉ trong nước, lãnh đạo và Công an các cấp, địa phương còn tăng cường hợp tác trong khu vực, quốc tế, dựng lên nhiều lớp lũy thép, mạng lưới ở nhiều cấp độ, để phòng, chống từ sớm, từ xa tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố người nước ngoài…

Nâng tầm phối hợp, hiệu quả chuyên sâu, bền vững

Với vai trò, chức năng của mình, Cục Cảnh sát hình sự, Cục CSĐT tội phạm về ma túy và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an luôn là địa chỉ "đỏ" sớm nhận diện những thủ đoạn hoạt động của các hệ, loại đối tượng phạm tội, từ đó hướng dẫn Công an các địa phương triển khai những biện pháp phòng, chống hiệu quả. Báo cáo trước đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tại phiên hội ý nghiệp vụ vào ngày 30/3 vừa qua, Trung tướng Trần Ngọc Hà thông tin, để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, xuyên suốt trong thời gian trước đó, Cục Cảnh sát hình sự đã trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai phòng chống tội phạm, tội phạm người nước ngoài gây án ở Việt Nam, tội phạm nước ngoài ở Việt Nam gây án ở nước thứ ba…

Lực lượng Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, khám phá nhiều vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia.

Lực lượng Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, khám phá nhiều vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và bị khống chế cho đến nay, những kế hoạch, chuyên đề liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm người nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia luôn được Cục Cảnh sát hình sự xây dựng, triển khai và bồi đắp. Nhiều vụ án điển hình đã được Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các cục nghiệp vụ, Công an các địa phương như Hà Nội, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh… thực hiện, đã góp phần ngăn chặn, răn đe những đối tượng có biểu hiện hoặc ý định vào Việt Nam, hoặc chọn Việt Nam làm nơi gây án. Có những chuyên án Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh đã điều tra, khám phá, xác định có hàng trăm đối tượng liên quan đến hoạt động phạm tội xuyên quốc gia. Cùng với Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đạt được kết quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống với hệ loại tội phạm này.

Phát biểu chỉ đạo với lãnh đạo các cục nghiệp vụ và Công an một số tỉnh, thành phố trong phiên hội ý nghiệp vụ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã phân tích rất kỹ những thủ đoạn gây án của hệ, loại đối tượng tội phạm trên; đồng thời chỉ rõ những nguy cơ và từ đó yêu cầu, gợi mở giúp các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh. "Phải nhận diện được tội phạm, dự báo được tình hình và trên cơ sở, nền tảng kinh nghiệm đã có, cộng với sự hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ về nghiệp vụ của các cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương mới có thể đấu tranh trấn áp hiệu quả với hệ, loại tội phạm này. Các cục nghiệp vụ phải phát huy được vai trò "bà đỡ" giúp Công an các địa phương về nghiệp vụ. Công an các địa phương phải nâng cao tính chủ động, rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ, trong nhiệm vụ phòng, chống tội phạm chung đó, mối quan hệ phối hợp giữa các cục nghiệp vụ và Công an các địa phương phải luôn trở thành một khối thống nhất, cộng hưởng, gia tăng sức mạnh, tạo ra những "quả đấm thép", những "bức tường lửa" nhiều tầng, lớp để ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố người nước ngoài. Đặc biệt, công tác phối hợp trên không chỉ ở trong nước mà còn phải được mở rộng chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh giáp biên, các nước trong khu vực, trên thế giới trong nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm…

Mới đây, trong chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Lào tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Lào vào giữa tháng 4 vừa qua, Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Công an do Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc dẫn đầu, đã có những buổi hội đàm, chào xã giao với đồng chí Thứ trưởng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào. Tại những buổi hội đàm, chào xã giao này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và lãnh đạo Bộ Công an Lào đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các hệ, loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Ngay sau những phiên hội đàm và chào xã giao giữa lãnh đạo Bộ Công an hai nước, lãnh đạo một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an như Cục Cảnh sát hình sự, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an… đã có những phiên làm việc, hội ý riêng với người đồng cấp phía bạn và các đơn vị có liên quan, nhằm cụ thể hóa những nội dung đã được lãnh đạo Bộ Công an hai nước đã thống nhất.

Trên "mảng" nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết: Quán triệt chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trên tinh thần "giúp bạn cũng là giúp mình" với mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào cũng như lãnh đạo các cục nghiệp vụ đã chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thống nhất triển khai nhiều nội dung, trong đó kinh nghiệm phối hợp cùng nhau xây dựng những xã, bản, huyện, tỉnh không ma túy, không tội phạm người nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; triển khai các biện pháp "phát quang, làm sạch" các điểm, tụ điểm không để những hệ, loại tội phạm này có điều kiện, cơ hội ẩn náu ngay từ sớm, từ xa, từ khi chúng chưa xâm nhập vào trong nước, các địa bàn, quốc gia xung quanh. Đối với Campuchia và các quốc gia thành viên trong cộng đồng ASEAN, Bộ Công an Việt Nam cũng thắt chặt mối quan hệ, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp ngày càng bền vững, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu lực, hiệu quả…

Kéo giảm mạnh tội phạm vì sự an toàn của xã hội

Trong thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành các nghị quyết, chuyên đề và các phương án nghiệp vụ chỉ đạo toàn lực lượng chủ động nhận diện, áp dụng quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đấu tranh kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội. Những biện pháp, kế hoạch được triển khai đều phải mang tính bền vững, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, văn minh, lành mạnh.

Đánh giá về con số, mục tiêu kéo giảm 5% số vụ phạm tội hằng năm, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhiều lần khẳng định, con số trên hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, có tác động mạnh mẽ tới xã hội. Tỷ lệ giảm 5% số vụ phạm tội đó nếu "quy đổi" ra thì đồng nghĩa với việc có khoảng 2.000 người không vướng vòng lao lý, 2.000 gia đình, dòng họ không có người phạm tội, không bị tội phạm xâm hại và cộng hưởng thêm là không biết bao nhiêu gia đình, con người, số phận nhận thức được pháp luật, có ý thức phòng, chống tội phạm, không dính vào tội phạm. Xã hội sẽ thêm yên bình, trường học sẽ thêm vang lên những tiếng nói, cười của trẻ thơ, gia đình, xã hội có thêm những nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, năm 2022 và quý 1/2023, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an các cấp đã đạt được những thành tích, kết quả tích cực. Tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm sâu. Dù Quốc hội không giao chỉ tiêu cụ thể mỗi năm nhưng năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Bộ Công an thực hiện được việc kéo giảm tội phạm, bởi như đã khẳng định ở trên, việc thực hiện mục tiêu giảm tội phạm là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và hiệu quả về mặt xã hội rất lớn. Thậm chí, thay vì 5%, năm 2022, Bộ Công an đã kéo giảm tới 10,86% số vụ phạm tội so với cùng kỳ năm 2019. Đây thật sự là một thành tích rất lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đó có tội phạm người nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia nói riêng. Có 52 địa phương đạt và vượt chỉ tiêu của Bộ về giảm 5% số vụ tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2019, trong đó có 7 Công an địa phương giảm trên 30%. Đây thật sự là những con số biết nói, cụ thể hóa hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự hướng dẫn của các cục nghiệp vụ cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa từng cấp, địa phương.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng như các cục nghiệp vụ đều thống nhất dự báo, trong thời gian tới hoạt động của tội phạm về trật tự xã hội sẽ diễn biến phức tạp, với 3 xu hướng. Cụ thể, xu hướng tội phạm truyền thống, truyền thống kết hợp với phương thức mới và thủ đoạn mới. Với hệ, loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài thì phương thức truyền thống kết hợp với thủ đoạn mới, công nghệ sẽ là điểm mấu chốt để chúng lợi dụng hoạt động. Từ việc nhận diện, dự báo được chính xác tình hình tội phạm, trên cơ sở kế hoạch, phương án chung, mang tính tổng thể, phổ quát toàn quốc, khu vực và theo tình hình thực tế từng địa bàn ở các địa phương, vùng, các cục nghiệp vụ cùng Công an các địa phương sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, hiện hữu ở địa bàn đó, mang tính chiều sâu, bền vững.

Vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm cũng được lãnh đạo Bộ nhấn mạnh và yêu cầu người đứng đầu ở từng cấp phải thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, tiếp tục chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản đã được Bộ chỉ đạo từ năm 2017, với nhận thức đây là biện pháp có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/phong-chong-hieu-qua-toi-pham-tu-som-tu-xa-ky-cuoi--i691038/