Phòng, chống HIV/AIDS trước đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã và đang tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng chịu ảnh hưởng.

Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12:

Khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS

Đến nay, HIV/AIDS đã xuất hiện tại 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 57 người nhiễm mới (lũy tích là 3.244 người); số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 1.667 người.

Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Lào Cai gặp nhiều khó khăn. Trước hết là kinh phí đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cũng như các dự án khác bị cắt giảm mạnh. Đây là thách thức lớn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về HIV/AIDS và những hệ lụy liên quan đã có chuyển biến tích cực, nhưng việc thay đổi hành vi chưa thực sự mạnh mẽ, chưa mang tính bền vững. Một số nơi vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS và đây chính là rào cản lớn nhất trong phòng, chống dịch bệnh này. Số cán bộ chuyên trách của các cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhất là thời gian xuất hiện dịch Covid-19 nên cũng ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Ở Lào Cai, mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa phủ hết các huyện, thị xã, thành phố (mới chiếm 66,6%), do vậy người phát hiện nhiễm HIV/AIDS vẫn khó khi tiếp cận để điều trị. Hiện tại, toàn tỉnh mới có 6/9 cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ cũng như gây khó khăn cho cán bộ y tế tại những địa phương không có sẵn dịch vụ này. Tỷ lệ người nhiễm HIV tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, điều trị còn thấp do đa số người nhiễm có điều kiện kinh tế thấp, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, là người nghiện ma túy, gái mại dâm, người di biến động khó tiếp cận... Mặt khác, còn nhiều người nhiễm HIV đã quen và tiếp tục trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án, chưa sẵn sàng tham gia điều trị theo quy trình chi trả từ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Thông tư số 26 ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính hết hiệu lực, hiện chưa có hướng dẫn về định mức chi, gây trở ngại trong việc chi phụ cấp cho đồng đẳng viên triển khai chương trình can thiệp cho nhóm tiêm chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm; không có kinh phí chi cho hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, chủ yếu là lồng ghép với các hoạt động y tế khác nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, một số bệnh nhân ở vùng xa đi lại khó khăn, không kiên trì điều trị...

Điều trị người bệnh nhiễm HIV tại cơ sở y tế công lập. Ảnh: Hồng Loan (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Ông Trần Minh Hiếu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tại Lào Cai, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tới tất cả hoạt động của ngành y tế nói chung và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Hầu hết nhân lực của ngành y tế tập trung cho hoạt động phòng, chống Covid-19, dẫn đến thiếu nhân lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động tại cộng đồng như xét nghiệm, tiếp cận nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao để cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, đào tạo, tập huấn… bị hạn chế.

Nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS trước đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Lào Cai đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân ở độ tuổi trên 18 và bắt đầu thí điểm cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17, do đó, người nhiễm HIV có thể đăng ký tiêm như những người bình thường tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có Công văn số 1238 ngày 8/11/2021, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở điều trị rà soát, tư vấn, sàng lọc, lập danh sách người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARVđáp ứng tiêu chuẩn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế chưa được tiêm để tiêm chủng.

Hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại trường học. Ảnh: Hồng Tấm

Ngoài ra, để đảm bảo những điều kiện chăm sóc tốt nhất cho người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt khi người nhiễm tham gia điều trị ARV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ cùng chi trả chi phí sử dụng thuốc kháng vi rút HIV đối với người nhiễm HIV điều trị tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS nhận thuốc ARV; kê đơn, cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho người nhiễm HIV/AIDS trong tình hình dịch Covid-19 để họ hạn chế phải đến cơ sở y tế...

“Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021. Hoạt động được diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12/2021 trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội. Hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung, như phản ánh tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam và Lào Cai hiện nay; các văn bản quy phạm pháp luật và quy định mới liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS; tư vấn và xét nghiệm, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con…

Ông Trần Minh Hiếu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Thời gian qua, Lào Cai đã nỗ lực tuyên truyền và triển khai nhiều hoạt động hướng đến người nhiễm HIV/AIDS với mục tiêu tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350106-phong-chong-hivaids-truoc-dai-dich-covid19