Phòng, chống mua bán người: Tuyên truyền sâu, đấu tranh mạnh
– Hiện nay, tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, với âm mưu thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền và đấu tranh.
Lạng Sơn có đường biên giới dài trên 231 km tiếp giáp với Trung Quốc; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, cùng những yếu tố khác tác động đến tình hình tội phạm mua bán người.
Chọn đối tượng, địa bàn để tập trung tuyên truyền
Nguyên nhân xảy ra tình trạng mua bán người là do đời sống kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số; áp lực kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào bẫy của kẻ buôn người, dưới mác giới thiệu việc làm. Mặt khác, lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người khá lớn, mất cân bằng về giới tính, dân số; công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý hoạt động của các quán karaoke, xuất nhập cảnh, hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người.
Trước thực trạng đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán như phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên. Đặc biệt, chú trọng lựa chọn địa bàn tuyên truyền chủ yếu ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền đa dạng như: các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn; hậu quả; cách thức phòng ngừa, phát hiện và tố giác các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Theo đó, công tác tuyên truyền được nhiều cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Với các hình thức như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tài liệu, tọa đàm, hội thi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 15 nghìn cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật; với trên 1 triệu lượt người nghe; trong đó có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Tiêu biểu như: Từ năm 2022 đến nay, các đồn biên phòng đã phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể cơ sở tổ chức tuyên truyền tập trung được trên 800 buổi, cho hơn 40.000 lượt người dự nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ cho trên 25.000 lượt người; phát hơn 31.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật liên quan. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì tổ chức các diễn đàn, hội thi, tọa đàm cấp tỉnh về phòng, chống mua bán người hằng năm…
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Nạn nhân của mua bán người thường là phụ nữ và trẻ em, do đó chúng tôi chỉ đạo các cấp hội thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Công tác tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi hội, trang thông tin điện tử, hệ thống tài khoản mạng xã hội của các cấp hội… Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền được hơn 4.500 cuộc, cho hơn 200 nghìn lượt người nghe về phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, hằng năm chúng tôi đều tổ chức các diễn đàn, hội thi, liên hoan, chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, duy trì các mô hình truyền thông, sinh hoạt hiệu quả tại cơ sở, thu hút đông đảo hội viên tham gia, để nâng cao nhận thức, cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Chị Lăng Thị Nạnh, thôn Pá Tặp, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cho biết: Chúng tôi thường xuyên được cán bộ xã, thôn, bộ đội biên phòng tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Qua đó, chúng tôi hiểu biết hơn về cách phòng, tránh mua bán người. Tôi nhắc nhở con em không tin theo người lạ rủ đi làm ăn xa, không vượt biên giới trái phép, tích cực tham gia các hoạt động, để tránh xa tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người.
Ngăn chặn trên biên giới, đấu tranh trong nội địa
Song song với tuyên truyền, phòng ngừa của các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người ở cả trên biên giới và khu vực nội địa.
Theo đó, lực lượng công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, nguy cơ xảy ra mua bán người; từ đó triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn, giải cứu nạn nhân, xử lý các đối tượng. Cụ thể, lực lượng công an tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý cư trú, nhất là đối với các cơ sở lưu trú như: nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ gần khu vực biên giới, cửa khẩu… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng mua bán người qua biên giới. Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác này, đặc biệt là phối hợp với công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong trao đổi thông tin, đấu tranh truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân…
Kết quả, từ năm 2018 đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an các cấp trong tỉnh đã điều tra, khởi tố 28 vụ, 60 bị can phạm tội mua bán người. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2022 khởi tố 9 vụ mua bán người, giảm 2 vụ so với giai đoạn 2019 – 2020. Từ đầu năm 2023 đến nay khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng mua bán người, giải cứu 3 nạn nhân bị mua bán.
Điển hình, ngày 22/9/2022, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh tiếp nhận đơn trình báo của ông N.V.C, sinh năm 1982, trú tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng về việc con gái ông là N.T.H, sinh năm 2009 bỏ nhà đi không rõ lý do. Đơn vị đã tiến hành xác minh và phát hiện N.T.H làm nhân viên phục vụ tại một quán hát karaoke ở thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, do Hoàng Thị Phức, sinh năm 1989, trú tại thôn Pò Mỏ – Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn làm quản lý, nghi có dấu hiệu của hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã tiến hành triệu tập Hoàng Thị Phức, đưa N.T.H và một số nhân viên về trụ sở làm việc. Quá trình điều tra, xác định: trong tháng 9/2022, sau khi bỏ nhà ra đi, N.T.H đã đến làm phục vụ tại quán hát karaoke do Lành Công Nghĩa, sinh năm 1996 và Lành Công Nghiệp, sinh năm 2005, cùng trú xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng làm quản lý. Qua giới thiệu của Hoàng Tuấn Hạnh, sinh năm 2004, trú tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Phức đã thỏa thuận và đưa cho Hạnh và Nghiệp tổng số tiền khoảng 7,3 triệu đồng để tuyển N.T.H và một nhân viên khác ở quán karaoke này về phục vụ quán hát của mình. Ngày 8/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã tạm giữ hình sự đối với Hoàng Thị Phức và Hoàng Tuấn Hạnh về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Ngày 6/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với Nguyễn Phương Chi (sinh năm 1987, trú tại xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng) về tội mua bán người. Khoảng năm 2011, Chi ở trọ tại Bằng Tường, Trung Quốc, có quen biết một người đàn ông Trung Quốc, người này nhờ Chi giúp tìm một người phụ nữ Việt Nam đưa qua Trung Quốc và hứa sẽ trả công. Chi đã lừa H.T.M.T (sinh năm 1991, trú tại xã Đào Viên, huyện Tràng Định) bán hàng quần áo ở Cửa khẩu Tân Thanh, với mức lương 4 – 5 triệu đồng/tháng, để rủ T sang Trung Quốc với mình. Chi đã dẫn T theo đường mòn sang Trung Quốc, ở đó người đàn ông Trung Quốc mà Chi quen và một người phụ nữ Việt Nam (không rõ tên tuổi, địa chỉ) bán T cho một người phụ nữ lạ mặt người Trung Quốc với giá 15.000 CNY (mười lăm nghìn nhân dân tệ). Sau đó, cả ba người cùng quay về Bằng Tường, Trung Quốc rồi chia tay nhau, Chi được chia 5.000 nhân dân tệ từ số tiền bán T. Ở Trung Quốc T bị ép hành nghề mại dâm để trả nợ số tiền bà chủ đã mua T. Sau đó T được giúp đỡ về Việt Nam, ngày 3/1/2023, T đến Công an tỉnh trình báo sự việc bị Chi lừa bán sang Trung Quốc.
Thượng tá Nguyễn Mai Thiện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động mua bán người qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đối với khu vực nội địa, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người núp dưới nhiều hình thức, với những thủ đoạn tinh vi. Do đó, chúng tôi luôn chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm soát địa bàn, những nơi tiềm ẩn mua bán người, điều tra xác minh làm rõ các hành vi; tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác có liên quan, đảm bảo tất cả các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm mua bán người đều được xác minh làm rõ và xử lý triệt để.
Trước thực trạng trên cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự tiếp tục chung tay của các cấp, ngành trong phòng, chống tội phạm mua bán người, với các biện pháp như quản lý lao động và hoạt động của các cơ sở dịch vụ, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần làm tốt công tác quản lý con em mình, nhất là quan tâm đến những trường hợp ở lứa tuổi bồng bột, dễ bị dụ dỗ để trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.