Phòng chống mưa lớn, dông, lốc, sét do ảnh hưởng của bão số 4 suy yếu

UBND tỉnh vừa có Công văn số 1687/UBND-KTN, ngày 28/9/2022 về việc phòng chống mưa lớn, dông, lốc, sét do ảnh hưởng của bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, triển khai các nội dung sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 138/BCH-VP, ngày 20/9/2022, Công văn số 141/BCH-VP, ngày 27/9/2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh về việc sẵn sàng các biện pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022.

- Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết của các cơ quan chuyên môn, Đài PTTH tỉnh, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về diễn biến tình hình thời tiết tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp.

- Rà soát các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, đê điều triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt các hồ chứa đã hư hỏng, thấm, chảy tràn; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

- Các địa phương có công trình hư hỏng như: Sạt lở chân cầu Đen, phường Đồng Tiến, cầu ngòi Mại, TP Hòa Bình, hồ Sòng Nước, hồ Đầm Sống, huyện Yên Thủy, sạt lở sau trụ sở UBND xã Tân Minh, huyện Đà Bắc và các công trình có nguy cơ cao mất an toàn khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và người trong khu vực, thường xuyên kiểm tra theo dõi diễn biến hư hỏng công trình.

-Tổ chức nghiêm túc công tác trực PCTT, kịp thời cập nhật thông tin, thông báo đến từng hộ dân, hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó; kiên quyết sơ tán, cưỡng chế các hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở, lũ quét ra khỏi nơi nguy hiểm. Triển khai các lực lượng xung kích, dân quân tự vệ và phối hợp với các đơn vị vũ trang đóng chân tại địa phương, tổ chức canh gác tại các điểm xung yếu, các ngầm giao thông ngăn chặn người và phương tiện đi qua ngầm và ngăn chặn việc đánh bắt cá, vớt củi... trên các lưu vực sông suối khi có lũ.

- Sẵn sàng phương án, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Các công trình đang thi công khẩn trương thực hiện phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt.

- Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thành phố, chủ động đôn đốc các địa phương được phân công phụ trách, triển khai việc ứng phó với mưa lũ.

- Đài PT-TH tỉnh; Báo Hòa Bình và các cơ quan truyền thông địa phương đưa tin kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa, bảo đảm thông tin đến được người dân tại các thôn, bản để người dân biết, chủ động phòng, tránh…

H.N (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/288/170591/phong-chong-mua-lon,-dong,-loc,-set-do-anh-huong-cua-bao-so-4-suy-yeu.htm