Phòng, chống muỗi hành gây hại lúa

Với sự tấn công, gây hại mạnh mẽ của muỗi hành (sâu năn), nếu không chủ động phòng trừ, kiên quyết tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn, diện tích lúa bị thiệt hại sẽ rất lớn. Đây là loại dịch hại đang gây 'đau đầu' cho nông dân vùng ĐBSCL.

Cần chú ý theo dõi trà lúa non để sớm phát hiện muỗi hành

Diện tích gây hại tăng

Theo ThS Đặng Thanh Phong, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BTVT) An Giang, từ năm 2011 đến nay, muỗi hành có xu hướng gia tăng tại nhiều vùng trồng lúa ở ĐBSCL. Thống kê vụ đông xuân 2021-2022, muỗi hành gây hại tại nhiều địa phương, như: An Giang (25.117ha), Kiên Giang (2.714ha), Đồng Tháp (1.278ha), Vĩnh Long (690ha), Cần Thơ (610ha), Long An (307ha), Bạc Liêu (291ha), Sóc Trăng (140ha), Hậu Giang (80ha), Tiền Giang (25ha)… Riêng tỉnh An Giang, qua số liệu theo dõi từ năm 2013 đến nay, hàng năm muỗi hành đều xuất hiện và gây hại mức độ nhẹ (tỷ lệ 10-20%) đến trung bình (từ trên 20% - 40%) và cục bộ có diện tích bị nhiễm nặng (trên 40%).

Muỗi hành phát sinh, gây hại tập trung ở huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn. Ông Phong cho biết, điều kiện ẩm độ cao (mưa trái mùa, trời âm u nhiều mây, sáng sớm có sương mù) kết hợp với trà lúa xuống giống muộn là nguyên nhân chính khiến muỗi hành bộc phát. Qua ghi nhận, muỗi hành gây hại nhiều trên trà lúa ở giai đoạn từ 35-45 ngày sau sạ; trà lúa muộn nhiễm trung bình đến nặng; giai đoạn lúa làm đòng mật độ gây hại nhẹ (dưới 5%); nhiễm trên ruộng sạ dày, dư phân, chủ yếu trên chồi con (chồi phụ). Các giống lúa có muỗi hành gây hại nặng là OM18, Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4900, OM5451...

ThS Đặng Thanh Phong cho biết, muỗi hành là đối tượng dịch hại thứ yếu, chỉ bộc phát trong điều kiện thời tiết thích hợp (ẩm độ cao), trên trà lúa xuống giống muộn, áp dụng các giải pháp canh tác chưa phù hợp, không theo quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, như: Sạ dày, bón thừa phân đạm, không áp dụng triệt để tưới ngập - khô xen kẽ, phun thuốc sớm (20-25 ngày sau sạ)…

Nhiều nông dân rất xa lạ và chủ quan với muỗi hành, chỉ phát hiện khi cây lúa biểu hiện ra hình dạng cọng hành. Lúc này, mọi biện pháp can thiệp đều đã trễ và không hiệu quả, vừa tốn tiền thuốc, tốn tiền công phun xịt, tăng chi phí sản xuất. Muỗi hành thường gây hại nhiều ở những vùng sạ lúa không theo khuyến cáo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, đặc biệt gây hại nặng ở những khu vực, tiểu vùng xuống giống muộn.

Tăng cường hỗ trợ nông dân

“Trên cánh đồng, cần gieo sạ tập trung, bón phân cân đối, không bón thừa đạm và chất kích thích sinh trưởng ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Bên cạnh đó, tăng cường bón lân, kali ở giai đoạn 7-10 ngày sau sạ; không nên bón kali ở giai đoạn lúa đẻ nhánh. Hạn chế tối đa việc xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật; không phun thuốc trừ sâu ăn lá ở giai đoạn 40 ngày đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch. Nông dân cần sử dụng bẫy đèn theo dõi cao điểm phát sinh và trưởng thành, để xác định thời gian gieo sạ né sâu và xử lý bằng các loại thuốc đặc hiệu khi cần thiết” - ông Phong khuyến cáo.

Để hạn chế sự gây hại của muỗi hành, Chi cục TT&BTVT An Giang kiến nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các viện, trường đẩy mạnh nghiên cứu về điều kiện phát sinh, phát triển và dự báo khả năng xuất hiện, gây hại của muỗi hành, để có cơ sở khuyến cáo nông dân quản lý, phòng trừ. Cục Bảo vệ thực vật cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương đánh giá lại mức độ sụt giảm về năng suất; đề xuất giải pháp hỗ trợ nông dân có diện tích bị thiệt hại, từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương.

Đối với chính quyền địa phương, cần kiên quyết hơn về đảm bảo lịch thời vụ xuống giống theo khuyến cáo; đảm bảo thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch lúa 2-3 tuần. Địa phương cần theo dõi, khuyến cáo nông dân tuyệt đối không gieo sạ liên tục gối vụ nhau, phải sạ đồng loạt trong khoảng thời gian ngắn (từ 5-7 ngày trên cùng 1 cánh đồng). Sau khi thu hoạch, phải vệ sinh đồng ruộng kỹ để ngăn ngừa muỗi hành lây lan từ cỏ dại, lúa chét sang vụ lúa tiếp theo.

ThS Đặng Thanh Phong lưu ý, đối với những diện tích bị muỗi hành gây hại, nông dân cần tiếp tục chăm sóc bằng cách bón phân cân đối phân NPK, các loại phân có chứa can-xi, silic cho cây khỏe, tạo nhiều hạt chắc trên bông; cần rút nước để hạn chế sự phát triển của sâu năn (áp dụng tưới nước ngập - khô xen kẽ).

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-chong-muoi-hanh-gay-hai-lua-a333334.html