Phòng chống ngộ độc rượu dịp lễ
Sau vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra ở Cà Mau khiến 1 người tử vong, 7 người nhập viện, vấn đề ngộ độc rượu một lần nữa lại được cảnh báo.
"Ma thần" methanol
Chủ tịch Cà Mau có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc "triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu, bia".
Hành động này được ra khi trên đại bàn huyện Trần Văn Thời vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc rượu khiến 1 người chết, 7 người nhập viện cấp cứu.
Được biết, hôm 23/4, gia đình tổ chức đám tang cho ông N.U.H. (65 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), có khoảng 300 người đến dự.
Trong đó, khoảng 200 người dự đám tang có rượu. Hơn 86 lít rượu được mọi người uống hết tại đám tang. Số rượu này do một người phụ nữ ở địa phương nấu tại nhà.
Khoảng 8h ngày 26/4, ông D.V.M (58 tuổi, ngụ ở xã Khánh Bình Tây Bắc) tử vong tại nhà. Ông M. là người đến dự đám tang nói trên. Một số người khác dự đám tang cũng bị đau đầu, mệt được đưa vào bệnh viện điều trị.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị cho 5 người; Bệnh viện Đa khoa TP. Cà Mau điều trị cho 2 người. Tổng cộng có 8 người nghi bị ngộ độc rượu sau khi đi dự đám tang, trong đó 1 người đã tử vong.
Sau khi xảy ra vụ việc, ngành chức năng địa phương đã tets nhanh mẫu rượu tại nhà có đám tang, kết quả rượu dương tính với methanol.
Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu chứa methanol, khiến người dân gặp nguy hiểm về sức khỏe.
Chuyên gia y tế nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tác hại của loại “ma thần" methenol này, song tình trạng không những không giảm, mà còn tăng cao.
Đặc biệt, tháng 3 vừa qua lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động, ảnh hưởng tới nhiều người, khi 108 công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh đã phải nhập viện cấp cứu.
Trong số đó, có 37 người nhiễm độc methanol, một người tử vong, nhiều người tổn thương mắt và não, có người mù mắt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kết quả xét nghiệm một loại cồn mà công nhân sử dụng cho thấy, nồng độ methanol chiếm tới 77,83%, không có ethanol.
Công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm methanol và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.
Theo bác sĩ Nguyên, đây là vụ nhiễm độc methanol đầu tiên qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động, ảnh hưởng tới nhiều người.
Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho hay, methanol có nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi sản phẩm hoặc địa chỉ có chứa methanol lại có thể đề tên gọi khác, dẫn tới người sử dụng hoặc người tiếp xúc nhầm lẫn hoặc bỏ qua.
Methanol có thể xuất hiện trên nhiều mặt hàng, vật dụng trong cuộc sống với các tên gọi khác nhau như Alcohol methylique, Methyl alcohol, Methyl hydrate, Methyl hydroxide, Wood alcohol, Wood spirit, CH3-OH…
Ở các nước phát triển, các sản phẩm methanol dùng trong gia dụng được cho thêm chất màu xanh nước biển để dễ nhận biết. Methanol cũng tồn tại ở các sản phẩm cồn khô dùng làm nhiên liệu. Methanol dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ phòng và có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp.
Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol.
Thực tế, methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm giả.
Do lượng methanol rất nhiều, dễ bị tuồn ra ngoài và được bán với giá rất rẻ, nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả, gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng.
Trung tâm Chống độc đã nhiều lần cảnh báo về hóa chất methanol chưa được kiểm soát tốt, bị “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng đóng thành các loại rượu rởm, pha thành nhiều loại cồt sát trùng, cồn y tế rởm bán ở một số hiệu thuốc, khiến người tiêu dùng lầm tưởng mua về sử dụng, kết quả là gây ra tử vong, ngộ độc.
Làm gì khi bị ngộ độc rượu?
Khi bị ngộ độc rượu, người bệnh có nguy cơ cao bị mất ý thức, mất trí nhớ, hạ đường huyết, co giật, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, nôn, mửa liên tục dẫn đến mất nước, co giật, tổn thương não vĩnh viễn, tử vong,…
Do đó, người bị ngộ độc rượu cần được cấp cứu ngay lập tức. Người nhà cố gắng giữ nạn nhân ở tư thế ngồi thẳng. Nếu nạn nhân muốn nằm, cần kê gối sao cho phần đầu và vai cao hơn thân mình.
Nếu nạn nhân bị ứ đọng đờm dãi, thở khò khè, bất tỉnh, cho nằm nghiêng để khi nôn không bị sặc. Nếu người bệnh không nôn, có thể tìm cách gây nôn hết rượu để loại bỏ cồn ra khỏi dạ dày.
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước (đặc biệt sau khi nôn) và làm loãng nồng độ rượu.
Điều này giúp quá trình đào thải rượu diễn ra nhanh chóng. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi để giải độc rượu (nếu bị nhẹ).
Người bị ngộ độc rượu có nguy cơ hạ thân nhiệt cần giữ ấm bằng cách đắp chăn, mặc áo ấm. Nói chuyện với nạn nhân, trấn an và giải thích nguy hiểm đang gặp để nạn nhân hợp tác, không bị kích động. Vì người say rượu, ngộ độc rượu thường mất bình tĩnh, dễ bị kích động.
Luôn quan sát kỹ người bệnh, nếu người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm dãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, thậm chí co giật.
Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, nhìn đôi, giảm hoặc mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái,… vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ hoặc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Để phòng chống ngộ độc rượu, cơ quan chức năng yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.
Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn như rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.
Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, theo bác sĩ Nguyên, đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. "Mong muốn các cơ quan quản lý không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc, mà chỉ nên bán tại quầy hóa chất tẩy rửa, hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng", Giám đốc Trung tâm Chống độc khuyến nghị.
Các trường hợp không được uống rượu:
Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày, tương đương 30 ml rượu mạnh (40-43 độ), 100 ml rượu vang (13,5 độ), 330 ml bia hơi (5 độ), 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330ml (5 độ).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phong-chong-ngo-doc-ruou-dip-le-d188899.html