Phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học
Năm học mới đã đến, vấn đề ngộ độc thực phẩm ở các bữa ăn bán trú trong trường học hiện nay không còn xa lạ. Hằng năm, có nhiều vụ ngộ độc xảy ra tại các cơ sở giáo dục, dấy lên sự lo lắng của rất nhiều bậc phụ huynh. Vậy cần làm gì để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học?
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm nhà bếp nhập về phải có giấy kiểm định, thực phẩm phải tươi trước khi chế biến, bếp ăn phải đặt ở vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh. Bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến: Khu sơ chế, khu nấu nướng, khu bảo quản, khu rửa… Dụng cụ chế biến thức ăn (dao, thớt...) phải được phân loại sống, chín riêng biệt. Nguồn nước phải bảo đảm chất lượng. Nhân viên nhà bếp phải có đồ bảo hộ lao động đầy đủ, có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, cần bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 giờ đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại. Che đậy thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn… để tránh bụi bẩn, côn trùng và các động vật khác. Cần nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn ở nhiệt độ trên 70°C.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, hãy cho học sinh ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. Thầy, cô giáo và nhân viên nhà bếp cũng cần chú ý nhắc nhở học sinh vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn để tránh bị nhiễm khuẩn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc-639953.html