Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Những tín hiệu tích cực

Xây dựng môi trường không khói thuốc để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Ảnh: YÊN LAN

Nhiều hoạt động can thiệp được triển khai khá đồng bộ từ quản lý, truyền thông, giảm thiểu tác hại đến hạn chế lưu thông, phân phối thuốc lá, chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) ở Phú Yên đạt được kết quả khả quan.

Tỉ lệ người hút thuốc giảm

Với hơn 7.000 hóa chất có trong khói thuốc lá, trong đó hàng trăm hóa chất độc hại, đặc biệt có hơn 60 chất cấu trúc vòng benzen có khả năng gây bệnh ung thư nếu phơi nhiễm thường xuyên, khói thuốc lá đã và đang đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người. Khoa học đã chứng minh khói thuốc lá là một trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tổn thương não, thận, thiểu năng tình dục và vô sinh... Oái ăm thay, các bệnh không lây nhiễm chiếm 80% trường hợp tử vong do bệnh lý trên thế giới, ở Việt Nam tỉ lệ này là 78,8%.

Nhận thức được tác hại ghê gớm của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và triển khai chương trình PCTHCTL ngay từ những thập niên cuối của thế kỷ trước. Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng đã triển khai PCTHCTL ngay sau khi WHO khuyến cáo, nhưng mạnh mẽ nhất là đầu thế kỷ XXI. Các nội dung triển khai ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, như: Tham gia vào công ước khung của thế giới, luật hóa phòng chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh hoạt động truyền thông: Nghiên cứu khoa học và triển khai biện pháp can thiệp phù hợp; hạn chế lưu thông, phân phối thuốc lá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong PCTHCTL.

Trên phạm vi cả nước, hiệu quả của chương trình PCTHCTL được thể hiện qua các con số thống kê: Tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc từ trên 50% giảm còn 47,4% năm 2014 và gần đây là 45%; tỉ lệ phụ nữ trưởng thành hút thuốc lá từ 5,4% đến nay còn rất ít.

Đồng bộ nhiều hoạt động can thiệp

Tại Phú Yên, chương trình PCTHCTL được triển khai từ năm 2005 nhưng mạnh mẽ nhất là từ năm 2013 đến nay. Nhiều hoạt động can thiệp được triển khai khá đồng bộ từ quản lý, truyền thông, giảm thiểu tác hại đến hạn chế lưu thông, phân phối thuốc lá. Hệ thống tổ chức chỉ đạo hoạt động PCTHCTL được kiện toàn, đồng bộ từ tỉnh, huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn đến các đơn vị, hoạt động khá hiệu quả. Hàng năm, Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh đều tổ chức giám sát, đánh giá hoạt động của các địa phương, sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục, kinh doanh, sản xuất... Vì vậy, chương trình PCTHCTL đạt được nhiều kết quả khả quan.

Thực tế cho thấy hiện nay, số người hút thuốc lá đã giảm hẳn. Trước đây, trong các cuộc họp, hay tại các nhà hàng, khách sạn, những nơi tập trung đông người, khói thuốc là cực hình đối với nhiều người. Nhưng đến nay, trong các cuộc họp không có người hút thuốc lá; còn trong các nhà hàng, khách sạn thì người hút giảm rõ rệt. Nếu có người nào đó hút thì những người khác mạnh dạn góp ý không nên hút thuốc lá ở nơi công cộng...

Năm 2022, được sự hỗ trợ của Quỹ PCTHCTL (Bộ Y tế), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên đã thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá tình hình hút thuốc của người dân trong tỉnh. Đến nay đề tài cơ bản đã hoàn thành, chờ Quỹ PCTHCTL nghiệm thu. Đề tài khảo sát 2.400 người từ 16 tuổi trở lên (trong đó có 1.200 người nam, 1.200 người nữ), nội dung khảo sát được chuyên gia y tế công cộng đưa ra. Theo kết quả khảo sát, tỉ lệ hút thuốc lá chung là 21,2%, trong đó nam hút thuốc lá chiếm 41,6%, nữ chiếm 0,8%; tỉ lệ hút thuốc lá điện tử là 1,5%. Tỉ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc: 22%, tại cơ quan nhà nước: 30,9%, tại cơ sở y tế: 19,9%; trong nhà hàng, quán ăn: 78,6%, trên phương tiện giao thông công cộng: 22,1%, tại trường mẫu giáo đến trường THPT: 25,8%. Tỉ lệ người dân hiểu biết về tác hại của thuốc lá là 92,3%; tỉ lệ người dân hiểu biết về luật là 64,4%.

Đây là kết quả hết sức khả quan mà tỉnh Phú Yên đạt được, bởi theo đánh giá của các chuyên gia, để giảm được 1-2% số người hút có khi phải mất 10-15 năm. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá thụ động trong các cơ quan nhà nước, nơi làm việc, cơ sở y tế, phương tiện giao thông công cộng, trường học vẫn còn cao. Như vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, đặc biệt là thực hiện nghiêm Luật PCTHCTL, xây dựng môi trường không khói thuốc để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/299120/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la--nhung-tin-hieu-tich-cuc.html