Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em: Giúp các em có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích
Chỉ còn ít ngày nữa là học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí, nhất là bơi lội tăng cao do thời tiết nắng nóng. Do đó, công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước (TNĐN), dạy bơi cho trẻ em được ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm giúp các em có một kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích.
Học sinh học bơi tại hồ bơi Mỹ Phước, TX.Bến Cát
Chú trọng công tác phòng ngừa
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2020- 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNĐN, khiến 4 em tử vong. Nguyên nhân là do các em chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường nước, trong khi nhiều em lại thích chơi đùa, tắm sông. Thời gian bị nạn thường là vào đầu mùa mưa, kỳ nghỉ hè, khi cha mẹ phải đi làm nên các em ở nhà, thiếu người quản lý.
Trước tình hình trên, ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều hoạt động phòng, chống TNĐN cho trẻ em nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em. Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), cho biết hàng năm Sở GD-ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, trường học thống nhất trong tổ chức thực hiện dạy bơi và công tác phòng, chống TNĐN cho trẻ em, HS. Sở còn chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học chủ động phối hợp với ngành chức năng làm tốt công tác bảo đảm an toàn trong trường học và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho HS.
Song song đó, Sở GD-ĐT tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ HS và HS về phòng, chống TNĐN; kết hợp với giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho HS. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên làm công tác dạy bơi cho HS trong trường học.
Cũng theo ông Phạm Anh Dũng, trên địa bàn tỉnh hiện có 641/841 giáo viên giáo dục thể chất có chứng chỉ dạy bơi, cứu đuối (đạt tỷ lệ 76,21%). Thời gian qua, Sở GD-ĐT đều cử giáo viên cốt cán trong cơ sở giáo dục, trường học tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước và phương pháp sơ cấp cứu đối với người bị nạn. Ngoài ra, trong các hồ bơi cộng đồng, trung tâm giáo dục kỹ năng cũng có giáo viên đủ năng lực dạy bơi, cứu đuối cho HS.
Tăng cường phổ cập bơi cho trẻ em
Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp với gia đình HS tổ chức dạy bơi an toàn cho HS trong và ngoài nhà trường. Nói về công tác này, cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thuận An, cho biết ngay từ đầu năm học, phòng đã chỉ đạo các trường học tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho HS. Riêng trong kỳ nghỉ hè này, đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố mở lớp học bơi miễn phí cho HS, trẻ em. Phòng GD-ĐT thành phố còn phối hợp với ngành chức năng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, bảo đảm an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, HS trên địa bàn.
Theo cô Ngân, hiện trên địa bàn TP.Thuận An có 7 trường học được trang bị hồ bơi di động, tạo điều kiện thuận lợi cho HS học bơi, đặc biệt vào kỳ nghỉ hè. Đối với các trường học khác thì phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS, tổ chức, cá nhân, hồ bơi trong cộng đồng tổ chức các lớp dạy bơi cho HS.
Cùng với TP.Thuận An, các trường học tại TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một cũng tổ chức dạy bơi cho HS bằng nhiều hình thức hồ bơi di động lắp ráp trong các trường học. Thầy Tống Ngọc Vân, Hiệu trưởng trường THCS Võ Trường Toản (TP.Dĩ An), cho biết có khoảng 70% HS tại trường được tham gia học bơi. Trước kỳ nghỉ hè, nhà trường lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, HS quan tâm đến phòng, chống TNĐN khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi; cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước…
Đại diện Phòng GD-ĐT TP.Dĩ An, cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học trực thuộc trên địa bàn hướng dẫn HS kỹ năng nhận biết về nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước cùng biện pháp phòng tránh trong giờ học môn giáo dục thể chất, tiết học cuối trước khi HS tan trường. Đồng thời, nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và gia đình HS quản lý, giám sát, hướng dẫn HS bảo đảm an toàn, phòng chống TNĐN trong dịp nghỉ hè sắp tới; cũng như tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn cho HS.
Sở GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 706/KH-SGDĐT ngày 4-4-2023 về việc triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, HS trong các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh năm 2023 (gọi tắt là Kế hoạch 706).
Việc thực hiện kế hoạch 706 nhằm phấn đấu đến hết năm 2023 có ít nhất 60% HS các trường tiểu học; 80% HS các trường THCS và 80% HS các trường THPT biết bơi cơ bản. Phấn đấu năm học 2022-2023 và 2023-2024 có 90% các trường tiểu học, THCS và 50% các trường THPT có tổ chức dạy bơi cho HS theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 62.491/362.156 HS tiểu học, THCS, THPT biết bơi (chiếm 17,25%). Đáng chú ý, số HS biết bơi chủ yếu ở cấp học THCS với 31.140 HS (chiếm 49,8% tổng số HS biết bơi). Trong khi số HS THPT biết bơi chỉ 5.221 HS (chiếm 8,35% tổng số HS biết bơi và 13,65% tổng số HS THPT).