Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Không lơ là, chủ quan
Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ, thậm chí là tử vong. Phần lớn các trường hợp xảy ra là do sự chủ quan, lơ là, bất cẩn của người lớn. Bởi vậy, hạn chế tối đa TNTT cho trẻ trước hết cần sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của người lớn.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – thẩm mỹ – bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, những đứa trẻ là bệnh nhân khóc nỉ non ở khu tầng 2 của tòa nhà vì đang phải chịu đựng những cơn đau, ngứa ngáy do vết bỏng, gãy xương... Bé Nguyễn T.V. (9 tháng tuổi, ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) sau khi được các bác sĩ cấp cứu, chăm sóc, xử lý vết thương đang ngủ thiếp đi sau một hồi vật vã vì đau đớn, vết băng bó kín cả gương mặt, ngực, vai và cánh tay phải... Mẹ V. kể, phích nước gia đình thường để ở góc nhà, trước đây chưa xảy ra chuyện gì nên chị cũng chủ quan. Trưa hôm đó, khi vừa ngủ dậy, chị đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa, V. đã bò lại gần, lấy tay kéo phích nước làm cho nước sôi đổ lai láng trên nền nhà, khiến bé bị bỏng nặng. Người mẹ bế con trên tay, gương mặt thất thần, lo âu và hối hận, chỉ vì lơ là, chủ quan mà đứa con gái mới 9 tháng tuổi của mình phải chịu nỗi đau trên da thịt và có lẽ phải mất nhiều thời gian nữa V. mới có thể lành lặn trở lại.
Bé Trần A.T. (ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa), 16 tháng tuổi cũng đã nhập viện được gần 1 tuần để điều trị gãy xương do bị chó cắn. Bà ngoại của T. cho biết: Bố mẹ T. đều đang ở nước ngoài nên gửi T. cho ông bà ngoại chăm sóc. Trong nhà có chó mới đẻ nên khi T. chập chững đến gần đàn chó con thì bị chó mẹ lao ra cắn...
Mỗi ngày, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận trung bình 15 - 20 bệnh nhân, hầu hết là các bệnh nhân nặng, trong đó có 70 - 80% là bệnh nhân bị bỏng, chấn thương do TNTT. Nhiều bệnh nhân bị TNTT trong những trường hợp bất ngờ, hy hữu và để lại hậu quả đáng tiếc. Đơn cử như, vụ việc xảy ra hồi cuối năm 2019, cháu Ph.X.L. (13 tuổi, ở tại huyện Triệu Sơn) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải, tổn thương nặng phần mềm 2 bên đùi, bỏng vùng ngực và 2 bên mắt. Sau khi tiếp nhận, các y, bác sĩ của bệnh viện nhanh chóng hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho em L., tạo mỏm cụt bàn tay phải, phẫu thuật ghép da đùi... Bố mẹ cháu kể, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do cháu lên mạng xã hội xem hướng dẫn cách chế pháo nổ, sau đó, dùng 50 bao diêm làm thuốc pháo. Trong khi nhồi pháo ở tư thế kẹp quả pháo trong đùi thì quả pháo bất ngờ phát nổ... Vụ TNTT đã làm cháu L. mất đi một bàn tay và nhiều tổn thương khác trên cơ thể không thể khắc phục được.
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, TNTT có thể xảy ra bất ngờ trong nhiều tình huống khác nhau với bất kỳ đứa trẻ nào bởi trẻ em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm, nhiều trẻ chưa có đủ nhận thức, kiến thức, kỹ năng, phòng tránh TNTT.
Mới đây, nhiều người không khỏi xót xa trước vụ đuối nước thương tâm khiến hai anh em ruột là cháu T.T.Đ. (7 tuổi) và T.H.A. (4 tuổi) bị tử vong dưới hố chôn cột điện đang thi công dang dở thuộc khu vực cánh đồng thôn Hữu Nghĩa, xã Xuân Lộc (Hậu Lộc). Vụ việc đau lòng này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm an toàn ở các công trình xây dựng mà còn là sự quan tâm đặc biệt của mỗi gia đình dành cho trẻ em trước những nguy cơ xảy ra đuối nước khi mùa hè sắp đến.
Bác sĩ Lưu Đức Thọ, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – thẩm mỹ - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: TNTT xảy ra đối với trẻ em ở nhiều dạng khác nhau, như: tai nạn giao thông; bỏng; hóc nghẹn dị vật; bị súc vật cắn; bị vật sắc nhọn cắt, đâm; đuối nước; té ngã... Phần lớn các vụ TNTT xảy ra đối với trẻ em đều do người lớn chủ quan, lơ là trong quá trình chăm sóc trẻ, chưa quan tâm sâu sát đến trẻ trước những nguy cơ có thể gây tai nạn trong môi trường sống của gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.
Bác sĩ Lưu Đức Thọ cho rằng, mắt xích quan trọng nhất trong việc phòng, chống TNTT cho trẻ phải bắt đầu từ mỗi gia đình, từ việc điều chỉnh hành vi của người lớn, lường trước được những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ trong các trường hợp, tình huống khác nhau để chủ động ngăn chặn. Chẳng hạn, đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần tối giản không gian sống, tránh sử dụng các đồ đạc có dạng sắc, nhọn mức sát thương cao; các vật dụng điện, đun nấu, hóa chất, thuốc... phải đặt ở vị trí xa tầm tay trẻ; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; không để trẻ chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ; không để thùng nước trong nhà, giếng, bể nước phải có nắp đậy... Người lớn cần dạy cho trẻ các kỹ năng sống cần thiết từ khi còn nhỏ, trong đó có kỹ năng tự bảo vệ mình, tránh xa những ổ điện, cánh quạt, vật nóng, súc vật nguy hiểm...; không bắt chước những video, clip trên mạng xã hội, gây nguy hiểm cho bản thân; không đến gần ao hồ, sông suối một mình; tập cho trẻ rèn luyện thể lực và biết bơi, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy...
“Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về các kiến thức phòng tránh TTNT cho người dân, dạy kỹ năng cho trẻ thì cần cung cấp cho cộng đồng những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản, kịp thời nhận biết những dấu hiệu khi trẻ không may bị TNTT để kịp thời sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện nhằm hạn chế sự nguy hiểm đến tính mạng cũng như những di chứng đối với sức khỏe của trẻ về sau này”, bác sĩ Thọ khuyến cáo.