Phòng, chống tệ nạn ma túy: 'Cuộc chiến' giữa thời bình

PTĐT - Ma túy là hiểm họa lớn đối với con người và xã hội. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh của các cấp, các ngành...

Kỳ I:“Lỗ hổng” trong cai nghiện tại cộng đồng

Công an phường Nông Trang, thành phố Việt Trì thường xuyên bám nắm cơ sở, theo dõi, thu thập thông tin về các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn.

Công an phường Nông Trang, thành phố Việt Trì thường xuyên bám nắm cơ sở, theo dõi, thu thập thông tin về các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn.

PTĐT - Ma túy là hiểm họa lớn đối với con người và xã hội. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, việc quản lý người nghiện cũng như công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng hiện nay đang gặp những khó khăn, xuất hiện “lỗ hổng”, vướng mắc trong thực thi chính sách. Bất cập, “rào cản” từ quy định không đồng nhấtTheo thống kê của Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 người nghiện ma túy ngoài cộng đồng. Người nghiện ma túy rất đa dạng về thành phần, bao gồm học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, công nhân, nông dân, trong đó số lao động tự do nghiện ma túy chiếm tới 81% trong tổng số người nghiện ma túy ngoài cộng đồng. 13/13 huyện, thành, thị và 193/225 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Điều đáng nói là, người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng trẻ hóa về độ tuổi và gia tăng về số lượng. Ngày 11/4/2020, lực lượng công an thành phố Việt Trì bắt quả tang 17 đối tượng có hành vi tụ tập đông người, có biểu hiện “phê” ma túy tại khách sạn Lâm Anh, phường Dữu Lâu. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 18 viên ma túy tổng hợp, 3 gói nilon trắng bên trong có chứa chất ma túy dạng Ketamine.

Trước đó, ngày 13/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Công an tỉnh đã bắt quả tang nhóm thanh niên gồm 4 nam, 3 nữ đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng VIP2, tầng 2, quán Karaoke Gia Hân ở khu 8, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Tại thời điểm bắt giữ, các đối tượng có độ tuổi ngoài 20, có biểu hiện “phê” ma túy đang hát hò, bay lắc theo tiếng nhạc. Vật chứng thu giữ tại chỗ gồm 3 gói nilon trắng bên trong có chứa chất ma túy dạng Ketamine.
Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là độ tuổi ngày càng trẻ hóa nên việc đưa người nghiện vào diện quản lý là điều cần thiết, song trong thực thi còn gặp nhiều vướng mắc. Trung tá Phạm Gia Tiên - Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an thành phố Việt Trì đánh giá: “Tình trạng sử dụng sisha, bóng cười trong thanh, thiếu niên tại các quán bar, karaoke ngày càng phổ biến, song lại không xử lý được vì không được quy định trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ quy định dẫn đến khó xác định tính lệ thuộc khiến việc thu thập tài liệu để lập hồ sơ quản lý và tổ chức các hoạt động cai nghiện thêm khó khăn. Bên cạnh đó, để xác định tình trạng nghiện thì người nghiện ma túy phải lưu giữ tại cơ sở y tế để theo dõi hội chứng cai trong 3 ngày đối với người nghiện ma túy nhóm Opiat (những chất có nguồn gốc thuốc phiện và những chất có đặc điểm dược lý tương tự thuốc phiện) và 5 ngày đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giữ người quá 24 giờ phục vụ theo dõi, chẩn đoán”.Không chỉ vậy, khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma túy còn đến từ “lỗ hổng” đó là sự chồng chéo, bất cập, không thống nhất trong một số quy định của chính sách pháp luật. Đơn cử như Luật Phòng, chống ma túy quy định tổ chức cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với người đủ 18 tuổi trở lên. Hay tại Nghị định số 136/2016/NĐ-CP, ngày 9/9/2016 của Chính phủ về “Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Chính vì những quy định không thống nhất này đã khiến việc quản lý người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện còn bị bỏ ngỏ, trong khi đó người nghiện ngày càng trẻ hóa đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự ở địa phương.“Nhìn chung, những năm gần đây, việc người nghiện đưa vào cơ sở điều trị thấp so với thực tế. Cũng có địa phương vận dụng, thậm chí lách luật, ban hành cơ chế riêng biệt để đưa các đối tượng vào các cơ sở nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận xã hội không tốt, không đúng với hoạt động cai nghiện” - ông Lương Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Công an thành phố Việt Trì bắt quả tang nhóm đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp tại Khách sạn Lâm Anh, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì.

Công an thành phố Việt Trì bắt quả tang nhóm đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp tại Khách sạn Lâm Anh, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì.

Cai nghiện tại cộng đồng chưa hiệu quả

Đó chính là thực tế dễ nhận thấy tại các địa phương, khẳng định việc cai nghiện tại cộng đồng là khó thực hiện và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng nêu rõ: Đối với trường hợp cai nghiện ma túy tại gia đình thì người cai nghiện hoặc gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với UBND cấp xã nơi cư trú; Chủ tịch UBND cấp xã quyết định sử dụng cơ sở vật chất hiện có tại địa phương để tổ chức điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay chất gây nghiện có nhiều dạng, ngày càng biến hóa do đó gây khó khăn cho công tác cai nghiện tại cộng đồng. Trong khi đó, các đối tượng nghiện ma túy thường có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tinh thần hợp tác với lực lượng chức năng để thực hiện các hoạt động vận động, tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện. Nhiều gia đình còn mặc cảm, tự ti khi có con em, vợ (chồng) là người nghiện nên không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện. Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND phường Nông Trang, thành phố Việt Trì nhận định: “Trên địa bàn phường hiện có hơn 30 đối tượng nghiện ma túy, cả ma túy tổng hợp và heroin, độ tuổi từ 20 đến 50, hầu hết đều có tiền án, tiền sự. Công tác quản lý, tiếp xúc với người nghiện rất khó khăn, đối tượng không hợp tác, hung hãn nên chủ yếu chúng tôi giao cho Công an phường theo dõi, giám sát bằng biện pháp nghiệp vụ mới có thể tiếp cận được. Còn về phía gia đình không chịu thừa nhận tình trạng nghiện của người thân vì sợ mang tiếng, kỳ thị”. Theo quy định, những trường hợp tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng thì cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn; xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng... nhưng thực tế tại các trạm y tế cấp xã trong tỉnh hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế nên rất khó để thực hiện công tác cai nghiện. Bác sĩ Lương Đình Dụng - Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Y tế cho biết: “Điều kiện để trạm y tế cấp xã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng đòi hỏi về nhân lực trạm y tế đó phải có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ và 1 điều dưỡng được đào tạo, cấp chứng chỉ về điều trị cai nghiện. Cơ sở vật chất phòng điều trị phải có camera, điều hòa, tủ thuốc chuyên dụng, song đến nay, toàn tỉnh mới có 3 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Phú Thọ, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn và 13 trạm y tế cấp xã có chức năng tư vấn, cấp phát, điều trị cai nghiện bằng Methadone”.Thực tiễn cho thấy, người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay diễn ra khá phổ biến. 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã bắt giữ, tịch thu 7.446,88g ma túy tổng hợp, trong khi đó lượng heroin thu giữ được chỉ là 92,722g heroin, ngoài ra thu giữ 0,402g cỏ Mỹ, đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có chất 5-Fluoro-MDMB-PICA chưa được quy định trong Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Cũng theo bác sĩ Dụng, nếu người nghiện ma túy tổng hợp trong giai đoạn “ngáo đá” sẽ được điều trị giống như một bệnh nhân tâm thần phân liệt và duy trì chống tái nghiện. Hiện nay, quá trình điều trị chỉ là hỗ trợ bằng các thuốc chống trầm cảm để người nghiện không rơi vào trạng thái hụt hẫng khi từ bỏ “thú vui”. Kết hợp với các liệu pháp tâm lý và sự răn đe của luật pháp (đưa đi cai nghiện tập trung) có thể giúp người nghiện từ bỏ được ma túy đá. Việc cai nghiện tại cộng đồng là do tự nguyện nên dù có cắt được cơn nghiện nhưng việc tiếp xúc, gặp gỡ với bạn bè là những người nghiện dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy. Từ những vấn đề nêu trên, cho thấy, việc quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy tại cộng đồng đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có những quy định ngay từ cơ chế chính sách.

Kỳ II: Cai nghiện ma túy tập trung: Khó vì không có học viên?

Nhóm phóng viên CT-XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/202006/phong-chong-te-nan-ma-tuy-cuoc-chien-giua-thoi-binh-171521