Phòng, chống tham nhũng: Ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu
'Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm 'chùn' sự chỉ đạo hay làm 'chậm' sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại...; do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới…', đó là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Phòng
Kết quả và hạn chế
Trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Tại một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng… Qua đó, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Từ những kết quả trên cho thấy, những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể là: Ở một số ngành, địa phương, chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng…
Nhiệm vụ và giải pháp
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Tình hình, bối cảnh trong nước, quốc tế đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng luôn là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Cùng với việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước...”.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, nhằm khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Hoàn thành việc xây dựng các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử…
Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, theo Tổng Bí thư: “điều đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định là, những người làm công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội”.
Phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài, do vậy từng cán bộ, đảng viên, trên từng cương vị công tác của mình, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, góp phần vào thành công chung của cả nước, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.
HUY TOÀN