Phòng, chống tham nhũng nhìn từ đại án chuyến bay giải cứu

Khi thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực thì sẽ dễ gây ra hậu quả khủng khiếp, lúc ấy tiền hối lộ có thể 'chọc thủng' những mắt xích là cán bộ biến chất ở các cơ quan công quyền.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa xét xử đại án chuyến bay giải cứu. Có lẽ không cần bàn thêm về tính chất và mức độ nguy hiểm của các hành vi đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ của các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, dưới góc độ quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng, có thể rút ra nhiều điều từ vụ án này.

Thứ nhất, mặc dù đại án này thường được báo chí, truyền thông gọi bằng tên chuyến bay giải cứu nhưng thực chất các cơ quan pháp luật đang xử lý các hành vi tham nhũng phát sinh từ chính sách chuyến bay combo.

Phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV

Phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV

Cần phân định rõ giữa chuyến bay giải cứu và chuyến bay combo. Chuyến bay giải cứu là chính sách nhân đạo của Nhà nước, để ưu tiên giải cứu các công dân Việt Nam ở nước ngoài, đưa về nước cách ly miễn phí tại các cơ sở do quân đội quản lý; người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay.

Khác với chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo phần nào có yếu tố thị trường, chi phí người dân phải chi trả dựa trên sự thỏa thuận với doanh nghiệp, còn quyền cấp phép phê duyệt thuộc về Nhà nước. Cơ chế này khi thiếu vắng sự kiểm soát cần thiết thì dễ trở thành cánh đồng màu mỡ cho tham nhũng nảy sinh.

Tuy nhiên, do nhu cầu về nước của người dân rất lớn, năng lực của Nhà nước vào thời điểm đang căng mình chống dịch khó đáp ứng nên từ cuối năm 2020, Chính phủ đã cho phép thí điểm chuyến bay combo. Theo đó, người dân tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí vé máy bay và chi phí cách ly. Doanh nghiệp chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng (Tổ công tác năm bộ, Văn phòng Chính phủ) để xin cấp phép, tự liên hệ với địa phương để thu xếp các cơ sở cách ly dân sự. Tổng cộng, Việt Nam đã tổ chức 400 chuyến bay giải cứu và 372 chuyến bay combo; tình trạng tham nhũng, hối lộ đã xảy ra trong giai đoạn tổ chức chuyến bay combo này.

Thứ hai, các chuyến bay combo có bản chất là một sự hợp tác công - tư (public - private partnership). Để thực hiện mục tiêu phục vụ lợi ích công là giải cứu công dân, Nhà nước cho phép tư nhân tham gia tổ chức các chuyến bay combo. Khác với chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo phần nào có yếu tố thị trường, chi phí người dân phải chi trả dựa trên sự thỏa thuận với doanh nghiệp, còn quyền cấp phép phê duyệt thuộc về Nhà nước. Cơ chế này khi thiếu vắng sự kiểm soát cần thiết thì dễ trở thành cánh đồng màu mỡ cho tham nhũng nảy sinh.

Thứ ba, theo thống kê, mức độ tham nhũng, đưa hối lộ tăng vọt khi thẩm quyền phê duyệt chuyến bay combo được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Tổ công tác năm bộ. Từ chỗ chỉ giữ vai trò tham mưu, đồng thuận, Tổ công tác năm bộ trở thành đầu mối quyết định, phê duyệt các chuyến bay combo. Hệ quả sau đó là các doanh nghiệp muốn được phê duyệt chuyến bay combo sẽ phải “rải” tiền hối lộ qua đủ các đầu mối của các bộ.

Đây là bài học đắt giá cho công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam: Việc tăng cường phân công, phân quyền của cấp trên cho cấp dưới mà thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng ngừa tham nhũng cần thiết thì sẽ dễ gây ra hậu quả khủng khiếp, khi tiền hối lộ có thể “chọc thủng” những mắt xích là cán bộ biến chất ở các cơ quan công quyền.

Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến công tác nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về phòng, chống tham nhũng. Đi đôi với chống tham nhũng, Nhà nước cần nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước để phòng ngừa tham nhũng từ “trứng nước”.

LƯƠNG LÊ MINH (Học viên cao học chuyên ngành quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng, Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Nguồn PLO: https://plo.vn/phong-chong-tham-nhung-nhin-tu-dai-an-chuyen-bay-giai-cuu-post742952.html