Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, do đó đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về nội dung này.
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối xác định là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trước hết là người đứng đầu.
Đảng ủy Khối đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết tố cáo, khiếu nại; học tập Nghị định số 130 ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh tổ chức. Việc tuyên truyền, phổ biến cũng được thực hiện thường xuyên tại hội nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, các hội nghị sơ kết, tổng kết định kỳ... Bên cạnh đó là giao cho các đồng chí bí thư cấp ủy cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở tổ chức triển khai, quán triệt đến các tổ chức đảng trực thuộc và đảng viên thuộc cấp mình quản lý; thường xuyên thực hiện tốt các văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 20/10/2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 04 ngày 20/10/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2020 – 2025, với 5 nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện.
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương; chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống kết hợp biện pháp hành chính để nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ. Nội dung phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy, người đứng đầu đưa vào các cuộc họp, sinh hoạt thường kỳ gắn với chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các cấp ủy, người đứng đầu quan tâm chỉ đạo công tác theo dõi, điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình dư luận xã hội đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, những nơi cán bộ, công chức có dư luận xấu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực để tổ chức kiểm tra, giám sát và điều động cán bộ.
Các giải pháp phòng, chống tham nhũng được cụ thể hóa thành các quy định, chương trình, kế hoạch, trong đó xác định các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, từ đó tăng cường chỉ đạo và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động nhất là đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như việc mua sắm tài sản công và xây dựng cơ bản, quản lý dự án đầu tư xây dựng, tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước, công tác tổ chức, cán bộ và kê khai tài sản, tuyển dụng cán bộ, xét thi đua - khen thưởng, thực hiện thủ tục hành chính...
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống tham nhũng và bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, tố cáo tham nhũng được thực hiện nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, chú trọng, tập trung quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp; việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; công tác cán bộ, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, quy chế quản lý tài chính tài sản, chi tiêu nội bộ; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm...
Qua kiểm tra, đã có 1 tổ chức đảng và 9 đảng viên vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản phải xử lý kỷ luật. Ngoài ra còn có 6 đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng do vi phạm pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng bộ Khối còn một số hạn chế, đó là: Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phòng, chống tham nhũng; một số giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa được thực hiện thường xuyên, chưa sâu sát, chưa kiên quyết; việc kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên, số cuộc giám sát chuyên đề còn ít, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa có nơi còn mang tính hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa nêu cao được tính tiền phong gương mẫu, dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật...
Từ thực tế trên, nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng cần tập trung một số nội dung cụ thể như sau:
Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát với thanh tra, kiểm soát nội bộ, nhất là trong phát hiện, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng...