Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm toàn xã hội và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm chung của toàn xã hội và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng một cấp, ngành nào...
Chiều 24/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; đồng chí Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng BCĐ và đồng chí Nguyễn Đình Hải - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện HĐND, UBND tỉnh; thành viên BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cùng lãnh đạo các ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy, bí thư các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy…
Sau một năm thành lập và đi vào hoạt động, BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã triển khai đầy đủ các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
BCĐ đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của BCĐ Trung ương, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Tập trung chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.
Thời gian qua, BCĐ, Thường trực BCĐ đã rà soát, quyết định đưa 16 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, tập trung chỉ đạo xử lý. Đến nay, đã đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo 4 vụ án, vụ việc, hiện đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 12 vụ án, vụ việc.
Qua một năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã khởi tố 7 vụ/30 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó có 25 bị can là cán bộ, đảng viên, số vụ án khởi tố mới tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Số vụ có tính chất phức tạp và số cán bộ, đảng viên, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, công tác phòng ngừa được tập trung thực hiện tốt hơn, bài bản hơn.
BCĐ quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò của MTTQ, báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và bám sát chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của ban chỉ đạo; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cho hay: Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh luôn được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã đạt được kết quả khá tích cực trên cả hai mặt “phòng” và “chống”.
Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố niềm tin của Nhân dân tỉnh nhà đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của BCĐ và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp phải xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm chung của toàn xã hội và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng một cấp, ngành nào và không phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng và Ban Nội chính.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải luôn gương mẫu, quyết liệt, tự soi, tự sửa, nói đi đôi với làm, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Các đơn vị, địa phương, ngành chức năng cần tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm từ đầu; chú trọng xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Với các nội dung trong Kết luận 29-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về siết chặt kỷ luật, kỷ cương và Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm, phải được các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc trong chi bộ, trong các cuộc sinh hoạt chuyên môn để từ đó cán bộ, đảng viên luôn tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong kiểm tra, giám sát, xử lý các vụ việc phải hết sức quan tâm đến động cơ, bối cảnh, tác động của xã hội để khi kết luận các vấn đề đảm bảo khách quan, tuyệt đối để không kết tội oan, sai, nhìn nhận sai bản chất.
Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải làm sao để cán bộ, đảng viên dám thể hiện chính kiến, thẳng thắn góp ý cho đồng nghiệp, cấp trên nhằm tránh xa các tiêu cực và từ đó rèn giũa đạo đức công vụ.
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, sau hội nghị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có những bước chuyển biến tích cực trong thời gian tới.