Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng, nhân dân tin tưởng

Loạt bài 'Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng, nhân dân tin tưởng' của nhóm tác giả: Trần Văn Vương, Đỗ Phú Thọ, Báo Lao Động đã đoạt giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Nhà báo Trần Văn Vương, đại diện nhóm tác giả nhận giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII-2022.

Nhà báo Trần Văn Vương, đại diện nhóm tác giả nhận giải Khuyến khích Giải Búa liềm vàng lần thứ VII-2022.

BÀI 1: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:Hoàn thiện cơ chế, phòng ngừa chặt chẽ

Trước thềm Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua đạt được nhiều kết quả to lớn.

THÀNH CÔNG CỦA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5.2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra tháng 12.2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2.2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tham nhũng đang “từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

10 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra. Con số này tăng hơn 3 lần so với các năm trước.

Điểm nổi bật trong thời gian qua là công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Nói về chặng đường 10 năm qua, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh: Nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã làm được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó là sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; là sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương.

Kết quả này có được là sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây.

Đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Người đứng đầu và các lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và nhân dân, cơ quan báo chí có vai trò vô cùng quan trọng. Sự gương mẫu, quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt làm nền tảng quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn - là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định.

Theo ông Phan Đình Trạc, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, đây là bài học rất quý mà chúng ta rút ra từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết “không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo.

BÀI 2: 10 NĂM THỰC HIỆN KẾT LUẬN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XI VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng, nhân dân tin tưởng

Theo kế hoạch, hôm nay (30.6) Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022) sẽ diễn ra tại hơn 4.100 điểm cầu kết nối trực tuyến với Hội trường Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tham gia Hội nghị có 81.000đại biểu trên cả nước. Hội nghị không chỉ đánh giá kết quả đạt được trong

10 năm qua mà sẽ đặt ra những vấn để mới, tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC KHÔNG NGỪNG, KHÔNG DỪNG, KHÔNG NGHỈ

Cách đây 10 năm trước, tháng 5 năm 2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC trực thuộc Bộ Chính trị và người đứng đầu Đảng làm Trưởng Ban Chỉ đạo đã tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong việc PCTNTC. Với bước ngoặt này, công tác PCTNTC đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân.

Trong 10 năm qua, hàng chục nghìn đảng viên đã bị thi hành kỷ luật, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử. Tính riêng nhiệm kỳ khóa XII, hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật, tăng 18% so với nhiệm kỳ XI. Trong đó, chỉ riêng cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật đã tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ trước, gồm 113 đảng viên. Trong đó có nhiều người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, các tổ chức Đảng và các đảng viên sai phạm tiếp tục bị đưa ra xử lý. Bằng chứng là, trong quý I/2022, có 125 vụ án, 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kiến nghị thi hành kỷ luật 14 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 40 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật.

Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được khởi tố, điều tra như vụ đại án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ “Đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; vụ “thao túng thị trường chứng khoán” tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC... Qua đó, khởi tố nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý như cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

“KHÔNG AI CÓ THỂ NGOÀI CUỘC”

Là 1 trong 16 thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thời kỳ mới thành lập, ông Vũ Trọng Kim khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hiện nay là đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhấn mạnh: Thực tế trong 10 năm qua cho thấy, công tác PCTNTC, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

10 năm qua, công tác này đã đạt được những dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, những kết quả quan trọng trên có được chính là nhờ Trung ương đã đặt đúng vị trí Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Từ đó, Ban Chỉ đạo tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện tính quyết đoán cao, sáng suốt, kịp thời. Những văn bản này bám sát thực tiễn, nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhất là công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

Cùng với đó, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự sát sao, gương mẫu, có tâm, có tầm của Tổng Bí thư Nguyễn Trọng đã chỉ đạo công cuộc “đốt lò”, làm nên những chuyển biến hết sức to lớn khiến công cuộc đấu tranh PCTNTC, tiêu cực trở thành một “phong trào, thành xu thế không ai có thể đứng ngoài cuộc”. Công tác đấu tranh PCTNTC được thực hiện theo tinh thần “không ngừng, không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

CHUYỂN DẦN SANG TRẠNG THÁI CHỦ ĐỘNG, TẤN CÔNG

Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Quốc Lý - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bằng cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân” và cũng không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao đó là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ các công việc với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, cách đây 10 năm tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến cam kết của 16 thành viên lúc đó phải “liêm, dũng, chính, trực”.

PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh, trong 10 năm qua, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử, số lượng cán bộ đảng viên, nhấtlàcánbộcấpcaobịxửlý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó. PCTNTC giờ đây được thực hiện ở diện rộng hơn, đi vào chiều sâu; từ bị động, đang dần chuyển sang trạng thái chủ động tấn công, nhất là vào những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ. Qua đó, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào công cuộc PCTN của Đảng, cũng như vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

NIỀM TIN LỚN CỦA NHÂN DÂN

“Thắng lợi bước đầu trong đấu tranh chống tham nhũng cũng chính là thắng lợi của nhân dân, vì nhân dân đã đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi cũng như cổ vũ, động viên công cuộc này. Những nhà quan sát trên thế giới cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam có một quyết tâm lớn, đã giành lại uy thế, danh dự và củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền, vào sự lãnh đạo của Đảng” - ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh và cho rằng, trong 10 năm qua, từ thực tiễn, đòi hỏi của nhân dân và yêu cầu của sự phát triển, Việt Nam đã xây dựng được hình mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

BÀI 3: CUỘC CHIẾN CHỐNG “GIẶC NỘI XÂM” VÀ BÀI HỌC XƯƠNG MÁU:

Đột phá từ Ban chỉ đạo Trung ương

Công cuộc phòng chống “giặc nội xâm” tại Việt Nam được đẩy mạnh và tạo hiệu quả ấn tượng kể từ năm 2012, sau khi Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ

Tháng 5.2012, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thảo luận về Đề án “Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hội nghị đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Ngày 1.2.2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/ TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban chỉ đạo.

Với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từ năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (sau đổi thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) đã tạo ra nhiều bước đột phá trong cuộc

chiến chống “giặc nội xâm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

CẢ XÃ HỘI CÙNG VÀO CUỘC

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã làm được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó là sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; là sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương.

Kết quả này có được là sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,

Đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua.

Đây là bài học rất quý mà chúng ta rút ra từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết “không dừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu trước các đảng viên, các cử tri và đồng bào cả nước rằng, rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, vì niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, cho nên buộc phải làm “chặt một cành sâu để cứu cả cây, chặt một vài cây để cứu cả cánh rừng”.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng mới đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Nếu làm tốt công tác phòng, chống, cộng với pháp luật nghiêm minh và xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt dưới sự giám sát của người dân thì tất yếu tham nhũng sẽ giảm và ít đi.

Thực tế đã chứng minh, kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực và đã đạt được thành quả quan trọng, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

BÀI 4: PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC:

Kiểm soát chặt chẽ, hoàn thiện thể chế để “không dám, không thể và không muốn tham nhũng”

Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 10 năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh; thực sự "trở thành xu thế không thể đảo ngược". Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

Ngày 30.6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc chủ trì Hội nghị.

KHÔNG LÀM NHỤT CHÍ NHỮNG NGƯỜI DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến “chống giặc nội xâm”, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong 10 năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh; thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.

Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại.

Theo Tổng Bí thư, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra: Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

“NHỐT” QUYỀN LỰC VÀO TRONG “LỒNG” CƠ CHẾ

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu những bàihọcquý,cógiátrịcảvềmặtlý luận và thực tiễn được rút ra.

Theo Tổng Bí thư, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế là với ý nghĩa như vậy” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu. Nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.

BỊTKÍN NHỮNG “KHOẢNG TRỐNG”, “KẼ HỞ” ĐỂ “KHÔNG THỂ THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian nói về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Trước tiên, Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài; có tài mà cậy chi tài; chữ “Tài” liền với chữ “Tai” một vần!”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Tổng Bí thư nêu rõ, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quảnlýkinhtế-xãhôịđểhạnchế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.

Người đứng đầu Đảng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hóa”. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.

“Tôi đã nhiều lần nói phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

*Sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của Tổng Bí thư là chỗ dựa vững chắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ T.Ư ĐẢNG, TRƯỞNG
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG PHAN ĐÌNH TRẠC nhấn mạnh,
sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói” của
Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người
đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức
đơn vị là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo động
lực to lớn, nhân tố hàng đầu quyết định thành công trong cuộc đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sau khi trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nêu một số bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Phải đặt sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện, tập trung thống nhất của Đảng, mà trực tiếp thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị rất cao. Hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thứ hai: Phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Gắn PCTN,TC với xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba: Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời đồng bộ nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện xử lý là quan trọng, cấp bách.

*BÍ THƯ T.Ư ĐẢNG, CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM ĐỖ VĂN CHIẾN tin tưởng hội nghị sẽ đánh giá đúng đắn kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút ra bài học quý báu, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Đỗ Văn Chiến, những kết quả này có tính căn cốt, nền tảng, giá trị hơn tiền bạc là niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành được nâng lên rõ rệt.

Cũng theo ông Chiến, trong 10 năm qua, các cấp mặt trận và các tổ
chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện 11.500 cuộc giám sát, 6.035 cuộc phản biện xã hội. Từ đó, đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm, tội phạm chuyển đến cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Với trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nỗ lực cao nhất, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của MTTQ Việt Nam. Huy động sức mạnh của nhân dân tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ý Đảng hòa quyện với lòng dân, đã trở thành phong trào cách mạng, xu thế tất yếu như nhiều vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ, “Lò đã nóng, củi đã cháy”, không ai có thể nói khác, làm khác được.

*ỦY VIÊN T.Ư ĐẢNG, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN NGUYỄN DUY NGỌC cho biết, điểm nổi bật là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ động nhận diện tội phạm, lựa chọn khâu đột phá để phát hiện, xử lý tạo sự lan tỏa theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người”.

Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán

bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều “đối tượng chưa biết sợ”. “Chúng tôi vẫn nói rằng, từ tháng 4.2020, khi mới bắt đầu đại dịch COVID-19, chúng ta đã xử lý vụ CDC Hà Nội về lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch và xử lý để cảnh tỉnh...” - ông Ngọc nêu.

BÀI 5: CUỘC CHIẾN CHỐNG “GIẶC NỘI XÂM” VÀ BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

Cần thay đổi phương thức tác chiến

Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” dự báo thời gian tới vẫn còn cam go, vì thế rất cần thay đổi phương thức tác chiến.

GẮN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VỚI TIÊU CỰC

Thực tiễn cho thấy tham nhũng luôn gắn với tiêu cực. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 18.3.2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống...”.

Để gắn kết chặt chẽ hơn giữa công tác phòng, chống tham nhũng với đấu tranh chống tiêu cực, ngày 16.9.2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực.

Thực tế gần một năm qua cho thấy, việc ban hành Quy định số 32- QĐ/TW là cần thiết bởi lẽ tiêu cực là một phạm trù có nội hàm rộng, vốn là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, dùng để chỉ những biểu hiện, hành vi trái với các chuẩn mực xã hội của một quốc gia, cộng đồng, tập thể. Tuy nhiên, để Quy định số 32-QĐ/TW đi vào cuộc sống, rất cần việc cụ thể hóa và đồng bộ hóa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên mà trọng tâm là quy định về các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp cần tập trung phòng, chống.

Mặt khác, để xử lý được tiêu cực của cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào các hành vi cụ thể được biểu hiện ra bên ngoài (lời nói, hành động, việc làm) và phải được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước.

Do đó, cần có thêm những quy định mang tính nguyên tắc giúp nhận diện các hành vi tiêu cực. Một số nghiên cứu đã rà soát các nghị quyết, quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, lựa chọn ra các hành vi cụ thể vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tính nghiêm trọng, phức tạp hoặc liên quan đến tham nhũng, nhưng khi hợp nhất lại thì thấy cách gọi tên và thuật ngữ sử dụng trong các quy định không có sự thống nhất, đồng bộ với nhau, không ít hành vi chưa có chế tài xử lý.

Điển hình như, trong 27 biểu hiện suy thoái nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có chủ nghĩa cá nhân, bệnh “thành tích”... nhưng khi tham chiếu đến các văn bản quy định những điều đảng viên không được làm, xử lý kỷ luật đảng viên... thì chưa rõ thuộc trường hợp nào để xử lý và cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chế tài xử lý những biểu hiện tiêu cực này; trong văn bản của Đảng quy định xử lý các hành vi “chạy” (chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy tội...), nhưng đối chiếu với các quy định pháp luật thì cách hiểu và vận dụng chế tài xử lý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO CẤP TỈNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng. Sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc, khẩn trương, Đề án này đã được thông qua.

Ngày 2.6 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo). Đây là căn cứ quan trọng để Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả, trách nhiệm.

Theo Quy định số 67-QĐ/TW, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi thành lập sẽ chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Đây là nội dung đầu tiên mà nhân dân đang kỳ vọng ở Ban Chỉ đạo cấp tỉnh bởi vì từ thực tiễn kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã tạo ra những kết quả phòng, chống tham nhũng mang tính đột phá, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm liên quan đến các vụ án.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng sẽ phải xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Ngoài xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm ở địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi được thành lập cũng phải quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”, đó là vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những lĩnh vực mà người dân thường xuyên phải tiếp xúc. Nhân dân đang kỳ vọng vào sự hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước mắt, sau khi thành lập, các Ban chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Có thể chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, thuế, hải quan, đất đai.

Yếu tố quan trọng để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực chất, hiệu quả là Ban Chỉ đạo Trung ương cần chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tăng cường giao nhiệm vụ thông qua những vụ án, vụ việc cụ thể.

Điều này giúp Ban Chỉ đạo địa phương vừa có chỗ dựa vững chắc về chính trị, vừa khắc phục được tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, lợi ích cục bộ ở địa phương... Mặt khác, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chỉ đạo, từ đó họ tin tưởng, trở thành những đôi mắt, cánh tay giúp Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả.

Trần Văn Vương - Đỗ Phú Thọ

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/giai-bao-chi-toan-quoc-ve-xay-dung-dang/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-quyet-tam-quyet-liet-dong-long-nhan-dan-tin-tuong-18894