Phòng, chống tham những từ góc nhìn của Quốc tế

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chưa bao giờ dừng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, thời gian qua, trên không gian mạng vẫn tiếp tục xuất hiện những luận điệu xuyên tạc về mọi vấn đề, trên các lĩnh vực nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhồi nhét tư tưởng về đa nguyên đa đảng, hòng tiến tới thay đổi chế độ ở nước ta.

Báo chí quốc tế quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Những luận điệu sai trái về công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam

Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng được đề cập trong các văn kiện của Đảng như: Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, là cơ sở chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các bộ luật, luật, nghị định, thông tư..., tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần hoàn thiện từng bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và cơ chế để “không cần tham nhũng”.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt; được người dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặc dù vậy, kết quả đấu tranh chống tham nhũng cũng là chủ đề mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm thực hiện các mưu đồ “diễn biến hòa bình”. Một mặt, họ cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay “chỉ là để mị dân”, hay “Đảng Cộng sản Việt Nam không thật sự quyết tâm chống tham nhũng”. Mặt khác, trước kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, hoặc xử lý hình sự do tham nhũng, họ lại cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ chính trị ở Việt Nam” và “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị một đảng cầm quyền”. Từ đây, họ kêu gọi phải thay đổi thể chế chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới có thể chống được tham nhũng. Cổ súy cho khuynh hướng này, ngày 24/6/2022, Đài Á châu tự do (RFA) đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế, xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta; trong đó, họ nêu câu hỏi mang tính kích động chính trị, rằng: “Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”(!). Từ đó đưa ra “lời khuyên”: Việt Nam nên từ bỏ chế độ chính trị hiện hành để chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa mới chống được tham nhũng. Những luận điểm kiểu này thực sự nguy hiểm, dễ làm cho người dân lầm tưởng tham nhũng gắn liền với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa và do chế độ một đảng cầm quyền gây ra; qua đó, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và gây nên nguy cơ bất ổn về chính trị trong xã hội.

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: Tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, tòa án xử theo lệnh của Đảng không thể chống được tham nhũng. Hoặc bản thân bộ máy đẻ ra tham nhũng, cái lò này đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải đốt những kẻ tham nhũng; bởi không bao giờ đốt hết được cả. Thực tế, chúng muốn lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, cổ xúy cho tham nhũng, lợi ích nhóm. Mục đích của các đối tượng nhằm gây chia rẽ nội bộ, làm suy giảm ý chí, lòng tin của nhân dân; giảm ý nghĩa thắng lợi công cuộc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do chưa hiểu đúng, hiểu rõ về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước nên hoài nghi, có những phát ngôn lệch lạc, làm ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Quốc tế ghi nhận như thế nào về công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam

Nếu như trước kia khi Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) ra thông báo cho biết, TI vừa công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm CPI về việc xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia vùng lãnh thổ đó thì Việt Nam luôn bị đưa vào nhóm các quốc gia có chỉ số cao về tham nhũng. Đây cũng là một trong những căn cứ để các thế lực thù địch bám vào xuyên tạc và chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định sức mạnh của kỷ luật Đảng, không có trường hợp ngoại lệ đối với bất kỳ ai nếu lòng dạ không trong sáng; nói và làm trái với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không tham lam, không hám danh lợi, chức tước, bổng lộc. Từ đó, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên không ngừng trong toàn xã hội, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề; động viên, khích lệ, cổ vũ nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”.

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW, ngày 1-2-2013, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, tạo ra niềm tin, tâm lý phấn khởi, khí thế mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngay sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 12-2020, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, trong 10 năm qua nhiều quan chức cấp cao đã bị khởi tố, bắt giam, những doanh nghiệp trục lợi chính sách bị điều tra và hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng đã được thu hồi.

Kết quả này không chỉ được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận mà còn gây nhiều ấn tượng đối với cộng đồng quốc tế. Bình luận về công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, báo The Economist - một tờ báo phục vụ độc giả nói tiếng Anh, đã sử dụng nguyên văn cụm từ “Dot lo” bằng tiếng Việt. Điều này chỉ từng xảy ra với một vài cụm từ tiếng Việt nổi tiếng như “đổi mới”, hay “áo dài”. Tờ Thời báo châu Á - ASIA Times bình luận: Việc thúc đẩy một môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp bằng cách hạn chế tham nhũng là một điều cần thiết và cấp bách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng“. Việc dùng cụm từ”Đốt lò" cho thấy, công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam tạo nên ấn tượng với cộng đồng quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022, mới được Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Việt Nam đã tăng 3 điểm so với năm trước, vươn từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 và là 1 trong 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội. Bên cạnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua cũng giúp Việt Nam tiếp tục cải thiện minh bạch ngân sách Nhà nước. Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS 2021) vừa được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng 9 bậc so với 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam đã chuyển từ mô hình nhà nước tập quyền XHCN sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là bước đổi mới trong tư duy lý luận về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước của Đảng. Sự đổi mới này dựa trên nhận thức đúng đắn về những hạn chế của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trước đây cũng như những giá trị đã được thừa nhận chung của nhân loại về nhà nước pháp quyền. Đảng đã tiếp thu chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước pháp quyền và quản trị nhà nước hiện đại. Việc lựa chọn mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước XHCN, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và những giá trị tiến bộ, phù hợp với lý luận về nhà nước pháp quyền của nhân loại. Về tổ chức quyền lực nhà nước, chúng ta chủ trương tổ chức theo nguyên tắc: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Điều này hoàn toàn phù hợp với thể chế chính trị của nước ta và đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

Việc xử lý cán bộ, công chức, đảng viên tham nhũng, vi phạm pháp luật là hết sức cần thiết, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phương châm phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đề ra là: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, hay bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; tạo bước chuyển biến rõ rệt nhằm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Bình Nguyên

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/phong-chong-tham-nhung-tu-goc-nhin-cua-quoc-te/191923.htm