Phòng, chống tham nhũng: Từ nhận thức đến hành động

Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái hiện nay

LCĐT - Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đảng viên, cán bộ. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ và đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Uy tín, niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có quan điểm cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công”. Quan điểm đó thực tế như thế nào?

Trước hết, cần nhìn nhận bản chất và mối quan hệ của tham nhũng và suy thoái.

Từ thực tiễn và lý luận đều khẳng định tham nhũng là hiện tượng mang tính chất xã hội, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi cho cá nhân hoặc một nhóm người.

Quyền lực bao giờ cũng được thực thi thông qua những tập thể và con người cụ thể và lợi ích được quy định bởi chức vụ, địa vị trách nhiệm, quyền hạn của họ. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt: Mặt tích cực và mặt tiêu cực. Ở mặt tích cực, nếu quyền lực được trao cho những con người có nhân cách tốt thì đó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp xây dựng lực lượng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Ở mặt tiêu cực, nếu được trao cho con người và bộ máy yếu kém về nhân cách và không có cơ chế để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ thì quyền lực sẽ làm cho cá nhân, tập thể đó bị tha hóa, xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của xã hội, gây mất niềm tin của người dân.

Suy thoái có nội hàm rất rộng, có chủ thể và nội dung đa dạng. Trong điều kiện và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ảnh hưởng của cơ chế thị trường thì vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ diễn ra phức tạp, tinh vi và đa dạng hơn. Một trong những nguyên nhân chủ quan của hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là do bản thân đảng viên, cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quan điểm, bản lĩnh, lập trường tư tưởng không kiên định, vững vàng, dễ hoang mang, dao động trước tác động của hoàn cảnh bên ngoài.

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc với huyện Mường Khương về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc với huyện Mường Khương về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Quyền lực là yếu tố quyết định, phải có quyền lực thì mới có thể sử dụng nó một cách bất chính để thu lợi cho cá nhân hoặc của một nhóm người, làm phương hại đến lợi ích của người khác, của tập thể và xã hội. Từ thực tiễn khách quan cho thấy, tham nhũng là vấn đề có thể diễn ra ở bất cứ một quốc gia, một thể chế chính trị nào. Thực tiễn đã cho thấy vấn đề tham nhũng đã và đang diễn ra ở rất nhiều quốc gia, thể chế chính trị khác nhau, thậm chí còn diễn ra một cách thường xuyên, nghiêm trọng, nhiều nguyên thủ, cựu nguyên thủ, lãnh đạo các nước đã bị điều tra, xử lý vì tham nhũng, tiêu cực, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy có thể thấy quan điểm cho rằng “Đảng không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái vì Đảng cũng tham nhũng suy thoái” là phiến diện, thiếu chính xác, thiếu khách quan, bởi tham nhũng gắn với quyền lực và tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ nhà nước vì nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực. Tham nhũng và suy thoái tuy có khái niệm khác nhau nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ và biện chứng với nhau. Tham nhũng là một trong những biểu hiện cụ thể, rõ ràng của suy thoái.

Thứ hai, Đảng ta đấu tranh với tham nhũng và suy thoái chính là để Đảng tự bảo vệ mình.

Đó là vấn đề có tính tất yếu, bởi vì nếu Đảng không thể đấu tranh, không chiến thắng trước tham nhũng, suy thoái thì có nghĩa là Đảng tự đánh mất vị trí, vai trò lãnh đạo của mình, niềm tin của đảng viên, cán bộ và Nhân dân đối với Đảng sẽ từng bước suy giảm và đến mức nào đó người dân sẽ không còn tin vào Đảng nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, nếu Đảng đánh mất niềm tin của Nhân dân thì Đảng sẽ không thể tồn tại.

Nhận thức rõ bản chất, vị trí, vai trò cũng như tính nguyên tắc của việc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương, phương thức đúng, rất kịp thời để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng và xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” (1) .

Để phòng, chống tham nhũng, từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng nhiều cơ chế, biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập với thành viên là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành chuyên môn, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thứ ba, những kết quả quan trọng, nổi bật thời gian vừa qua đã khẳng định quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh không khoan nhượng với vấn đề tham nhũng, suy thoái.

Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái được đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ XI của Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 3.730 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái.

Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, các cơ quan thực thi pháp luật đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Khởi tố, điều tra truy tố, xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sỹ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang. Các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỷ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 32,04%. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã kỷ luật 87.000 đảng viên, trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng.

Ngay trong năm 2021 – năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng đã khai trừ khỏi Đảng Thứ trưởng Bộ Y tế, miễn nhiệm 2 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là những trường hợp đầu tiên bị kỷ luật theo quy định mới của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ vừa mới ban hành. Đến tháng 10 năm 2021, có 9 tướng lĩnh trong quân đội bị kỷ luật vì có hành vi làm thất thoát, lãng phí rất lớn tài sản của Nhà nước. Từ tháng 1 năm 2021 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật và kiến nghị xử lý kỷ luật 12 tổ chức cơ sở Đảng, 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cơ quan điều tra và mở rộng điều tra nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có 10 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Như vậy, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đã đạt kết quả rất khả quan, với quan điểm không có vùng cấm, do đó Trung ương đã xử lý, kỷ luật cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, các nước cũng đánh giá cao công cuộc phòng, chống tham nhũng, uy tín của nước ta trên trường quốc tế vì vậy tiếp tục được nâng lên.

---------------

(1)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr 250.

Bài cuối: Thực tiễn từ Lào Cai

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350914-phong-chong-tham-nhung-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong