Phòng, chống tham nhũng: Từ nhận thức đến hành động

Bài cuối: Thực tiễn từ Lào Cai

Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái hiện nay

LCĐT - Với quan điểm “phòng ngừa là cơ bản, đấu tranh là quan trọng, lâu dài”, bằng sự quyết tâm, đổi mới trong nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến quan trọng, đạt được kết quả quan trọng.

Tạo đột phá trong phương thức lãnh đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng.

Nhận thức sâu sắc về tác động tiêu cực và mặt trái của quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập của tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được Đảng bộ tỉnh Lào Cai chú trọng, kiên trì, đề ra nhiều nội dung, giải pháp triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mới có sự đột phá quan trọng và tạo được dấu ấn nổi bật.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp trong những năm qua trên địa bàn tỉnh, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án số 18-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Đề án). Đề án đề ra mục tiêu tổng quan là đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; củng cố lòng tin của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc với UBND xã Nấm Lư và Trường THCS xã Nấm Lư, huyện Mường Khương để tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng, chống tham nhũng.

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc với UBND xã Nấm Lư và Trường THCS xã Nấm Lư, huyện Mường Khương để tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Vũ Văn Bình, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, đây là đề án chuyên đề đầu tiên của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng và Lào Cai cũng là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng, thực hiện đề án về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đề án chính là bước cụ thể hóa quyết tâm đổi mới, sáng tạo của tỉnh Lào Cai trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo thế và lực mới góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Để bảo đảm việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo tổ chức ký cam kết trách nhiệm của cấp ủy và đồng chí Bí thư - người đứng đầu 9 huyện ủy, thị ủy, thành ủy và 28 tổ chức, đơn vị có liên quan về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, mục tiêu được đề án giao hằng năm. Đây là cách làm mới, sáng tạo, lần đầu tiên được thực hiện trong 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV.

Việc ký cam kết đã tạo chuyển biến về mặt nhận thức trong việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả; gắn trách nhiệm của tập thể cấp ủy với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo thực hiện các nội dung cam kết, thể hiện tinh thần hành động, “nói đi đôi với làm”; khắc phục được tình trạng “nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm”; giải quyết công việc chậm trễ, trì trệ, hiệu quả thấp. Việc xác định rõ ràng, cụ thể các nội dung cam kết với Tỉnh ủy là “chìa khóa” để các địa phương, đơn vị lãnh đạo, thực hiện; tạo sự lan tỏa, dẫn dắt trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề án giao.

Nghiêm túc, quyết liệt trong triển khai thực hiện, thu nhiều kết quả quan trọng

Trên cơ sở nội dung và 8 mục tiêu của Đề án cũng như các chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, sát thực tiễn, thu được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời xử lý, giải quyết dứt điểm, đúng quy định các tố cáo liên quan đến tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chú trọng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực nguy cơ cao về tham nhũng, tiêu cực. Để thực hiện bảo đảm thống nhất, hiệu quả, trong giai đoạn 2016 – 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế phối hợp chung giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; ban hành 2 chỉ thị nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chống “tham nhũng vặt” và chấn chỉnh, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, điều đó đã thể hiện “Trung ương nóng, Lào Cai cũng nóng”; thực hiện 17 cuộc kiểm tra đối với 63 tổ chức và 20 đảng viên; giám sát 11 cuộc đối với 30 tổ chức và 18 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã thực hiện 24 cuộc kiểm tra đối với 37 đơn vị, 28 đảng viên; tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định 48 đơn tố cáo; thực hiện thi hành kỷ luật đảng 3 đảng viên. Cấp ủy, chi bộ, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp đã thực hiện được 4.272 cuộc kiểm tra, giám sát, thi hành xử lý kỷ luật 2 tổ chức cơ sở đảng và 350 đảng viên vi phạm.

Cũng trong giai đoạn 2016 – 2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu, thực hiện 8 cuộc kiểm tra đối với 14 tổ chức, đơn vị; 3 cuộc giám sát đối với 5 tổ chức, đơn vị. Thành lập các tổ công tác thực hiện rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với việc giải quyết các vụ việc, vụ án; khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch nắm thông tin vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí được Nhân dân phản ánh để kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo làm rõ, xử lý theo quy định. Qua công tác kiểm tra, rà soát đã phát hiện và kiến nghị chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra làm rõ. Ban hành văn bản chỉ đạo, kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm rõ, xử lý đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến các kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Gắn thanh tra, kiểm tra hành chính đối với các đơn vị về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Kết quả đã thực hiện 167 cuộc thanh tra cấp tỉnh với 456 đơn vị; kiến nghị chuyển 3 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng sang cơ quan điều tra. Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, khó khăn, vướng mắc tồn tại, kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, qua xử lý các tố cáo, khiếu nại có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cơ quan chuyên môn đã tiếp nhận 262 đơn tố cáo, tin báo, đã xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Qua đó phát hiện và giải quyết 8 vụ việc tham nhũng, 3 đơn tố cáo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ quan tố tụng đã tiếp nhận, xác minh, điều tra, xử lý 21 vụ án tham nhũng, lãng phí, bảo đảm kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Để có được kết quả thực sự trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bên cạnh sự quyết tâm, vai trò chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định thì một bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra đó là phải làm tốt công tác dân vận, thực sự dựa vào dân. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu phải biết lắng nghe, chia sẻ với những bức xúc chính đáng của người dân và phải có phương pháp giải quyết đúng, phù hợp, kịp thời, nghiêm minh, qua đó tạo được niềm tin trong Nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Có thể khẳng định, thực tiễn và những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Lào Cai thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành công trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là minh chứng sinh động để mỗi đảng viên, cán bộ, người dân củng cố niềm tin, lên án, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; chung sức cùng Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện thành công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như hội nhập, phát triển đất nước hiện nay.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350915-phong-chong-tham-nhung-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong