Phòng chống thiên tai những tháng cuối năm: Khắc phục tư tưởng chủ quan, ỷ lại

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, từ nay đến hết năm 2020, khu vực tỉnh Bình Thuận còn ảnh hưởng bởi nhiều đợt mưa vừa, mưa to, tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp. Các địa phương cần đề phòng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lũ kéo dài. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Tân (ảnh) - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh xung quanh vấn đề này.

Phòng chống thiên tai những thán

 Ông nhận định như thế nào về tình hình thiên tai trong những tháng cuối năm 2020, nhất là diễn biến các cơn bão, ATNĐ liên tục diễn ra trong tháng 10, 11 vừa qua?

Ông nhận định như thế nào về tình hình thiên tai trong những tháng cuối năm 2020, nhất là diễn biến các cơn bão, ATNĐ liên tục diễn ra trong tháng 10, 11 vừa qua?

Trong tháng 10 và 11/2020, nước ta xuất hiện 8 cơn bão liên tiếp gồm bão số 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và cơn bão số 13. Điều này cho thấy sự xuất hiện của các cơn bão với cường độ dày, sức gió mạnh, hướng di chuyển thay đổi liên tục, tốc độ đi rất nhanh, khó lường. Đặc biệt từ nay đến hết năm 2020, khu vực tỉnh Bình Thuận còn ảnh hưởng mưa với nhiều đợt mưa vừa, mưa to do tác động của dải hội tụ nhiệt đới nối với xoáy thuận nhiệt đới hoặc kết hợp với không khí lạnh, nhiễu động trong đới gió đông trên cao. Tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, mùa mưa lũ có khả năng kéo dài sang tháng 1/2021. Do đó, chúng ta cần đề phòng ảnh hưởng của bão, ATNĐ và mưa lũ kéo dài. Đồng thời, người dân cần cảnh giác, phải luôn theo dõi diễn biến của bão để nắm bắt, chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, công trình hạ tầng trước, trong và sau bão.

Bình Thuận dù không ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nói trên, nhưng thời gian qua nổi lên là tình trạng sạt lở bờ biển. Ông nói rõ thêm về hiện tượng này và những thiệt hại thời gian gần đây do thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh?

Những tháng vừa qua, tuy Bình Thuận không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão nói trên, tuy nhiên do hoàn lưu của các cơn bão, ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây gió mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường, sóng đánh mạnh liên tục vào bờ làm tình trạng sạt lở bờ biển ngày một gia tăng, uy hiếp một số khu vực dân cư, làng nghề truyền thống, khu du lịch ven biển và tuyến đường liên tỉnh của tỉnh. Mới đây nhất phải kể đến sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại xã Bình Thạnh và Phước Thể, huyện Tuy Phong. Đặc biệt, hiện nay sạt lở bờ biển đã và đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 12 hộ dân thuê đất kinh doanh nhà hàng, khu đóng sửa tàu thuyền. Ngoài ra, sạt lở ảnh hưởng đến đoạn kè kiên cố được đầu tư xây dựng năm 2012 và gây sạt lở gần đến mép tuyến đường ĐT716, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo giao thông và cứu hộ, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Riêng khu vực thôn 3, xã Phước Thể hiện đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài bị ảnh hưởng khoảng 300m, biển lấn sâu vào đất liền khoảng 15m, gây ảnh hưởng trực tiếp cho 16 hộ dân.

Để ứng phó với gió mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường gây sạt lở cần phải gia cố, làm kè bảo vệ ở những nơi sạt lở. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên hiện mới chỉ làm được một số đoạn kè tại những nơi cấp bách, còn lại đa số làm kè tạm nên tính ổn định không cao, chưa bảo vệ hết được các khu dân cư ven biển của tỉnh.

Từ nay đến cuối năm dự kiến thiên tai còn diễn biến phức tạp. Ông có thể cho biết một số giải pháp và khuyến cáo đến người dân để giảm nhẹ thiệt hại?

Năm 2020, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, bão xuất hiện nhiều vào các tháng cuối năm với tần suất dày, cường độ bão mạnh, hướng di chuyển rất phức tạp. Do vậy, người dân cần phải cảnh giác trước những bất thường của thời tiết, gây mưa, lũ, bão, ATNĐ và sạt lở đất, không lơ là, chủ quan. Tại các hộ gia đình vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, cần chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men... theo phương châm “4 tại chỗ” để khi thiên tai xảy ra, bị cô lập thì gia đình tự bảo đảm an toàn, tạm ổn định sinh hoạt trong vòng 7 ngày trước khi lực lượng chức năng của địa phương hỗ trợ. Riêng đối với tàu thuyền hoạt động trên biển phải thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin về thời tiết biển, bão, ATNĐ, gió mạnh, sóng lớn trên biển qua radio, bộ đàm hệ thống Đài Thông tin duyên hải để biết, có kế hoạch sản xuất, khai thác hải sản phù hợp. Giữ liên lạc với các đồn biên phòng, cơ quan chức năng ở địa phương để được hướng dẫn, ứng phó, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, khả năng phòng chống các loại hình thiên tai trong cộng đồng dân cư, khắc phục tư tưởng chủ quan, ỷ lại trong cộng đồng người dân.

Xin cảm ơn ông!

KiỀu HẰng (thực hiện)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/phong-chong-thien-tai-nhung-thang-cuoi-nam-khac-phuc-tu-tuong-chu-quan-y-lai-132931.html