Phòng chống và đẩy lùi tội phạm mua bán người: Cần sự chung tay của toàn xã hội
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ mua bán người (MBN) đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Your browser does not support the audio element.
Cán bộ, chiến sỹ Công an xã Hang Kia (Mai Châu) tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em cho người dân (ảnh chụp ngày 26/4/2021).
Như các vụ: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Thành, hộ khẩu thường trú tại xã Toàn Sơn (Đà Bắc) lừa 3 nữ sinh trường PT DTNT huyện Đà Bắc sang Trung Quốc để bán vào các nhà chứa; Lê Thị Đàm (tức Đào) cấu kết với Nguyễn Đức Quỳnh và Lê Văn Tuấn - xã Yên Mông, Phan Ngọc Tuyền - xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) lừa bán người yêu của Tuấn sang Trung Quốc làm gái mại dâm; Công an huyện Mai Châu phối hợp Công an huyện Tân Lạc bắt quả tang đối tượng Cư Seo Dì (SN 1977), trú tại Si Ma Cai (Lào Cai) có hành vi lừa Khà Y Sớ (SN 1995) ở Thung Ẳng (xã Hang Kia) sang Trung Quốc bán với giá 3.000 nhân dân tệ...
Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) chia sẻ: Có thể nói, tình hình tội phạm MBN trên địa bàn cả nước thời gian qua có diễn biến phức tạp, thủ đoạn liên tục có sự thay đổi. Hơn nữa, hầu hết các đối tượng MBN đều hoạt động có tổ chức nên công tác đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn.
Qua nắm bắt thực tế, từ năm 2018 đến nay, do làm tốt công tác phòng ngừa nên trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ MBN nào. Tuy nhiên, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP), lực lượng chức năng xác định tội phạm MBN tiềm ẩn nhiều phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Thống kê toàn tỉnh hiện có 1.115 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT dễ bị lợi dụng vào hoạt động MBN. Trong đó, có 10 cơ sở massager, 350 quán karaoke, 150 quán cà phê giải khát, 45 khách sạn, 420 nhà nghỉ, 140 điểm du lịch loại hình homestay. Ngoài ra, tình hình công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép còn nhiều. Qua rà soát, tính đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 459 lượt người xuất cảnh trái phép, chủ yếu sang Trung Quốc lao động, có 65 người bị trục xuất, đẩy đuổi trở về nước. Đây là điều kiện để các đối tượng tội phạm lợi dụng để hoạt động MBN. Do đó, "đòi hỏi công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm MBN ngoài việc phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng còn phải phát huy tối đa vai trò của Nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để phòng chống, ngăn chặn loại tội phạm này một cách hiệu quả” - đại tá Trần Mạnh Hải nhấn mạnh.
Xuất phát từ thực tế trên, thực hiện Chương trình 130 của Chính phủ về PCTP MBN, thời gian qua Ban chỉ đạo 09 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện tháng hành động "Toàn dân PCTP MBN năm 2021”, cũng như tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho phụ nữ, trẻ em, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ thủ đoạn, cách nhận biết loại tội phạm này. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng chống mua bán người (PCMBN) thuộc Chương trình PCMBN giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường rà soát, nắm tình hình hoạt động của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm liên quan đến tội phạm MBN. Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong PCMBN.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, PCTP, PCMBN được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Điển hình như, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các ngành trong khối tư tưởng - văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác PCTP, PCMBN; Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Dân vận các huyện, thành ủy thực hiện tốt chương trình, kế hoạch phối hợp với lực lượng công an, quân đội trong công tác PCMBN; các cấp Hội Nông dân tổ chức 177 buổi tuyên truyền pháp luật cho 14.150 lượt hội viên về công tác PCTP, PCMBN; các cấp Hội LHPN phối hợp tổ chức 114 buổi tuyên truyền về PCTP, PCMBN, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em với 26.724 hội viên phụ nữ và trẻ em tham dự; Sở LĐ-TB&XH cấp phát 40.000 tài liệu tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về công tác PCTP, tệ nạn xã hội, ngăn chặn nạn buôn bán người đến các xã, phường, thị trấn; Sở VH-TT&DL chỉ đạo tổ chức lồng ghép các nội dung tuyên truyền PCTP, PCMBN vào các hoạt động văn hóa, thông tin trên địa bàn tỉnh... Nhờ đó, đã tích cực góp phần vào việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm nói chung, PCTP MBN ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư.