Phòng, chống Virus Corona (2019-nCoV) | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở nhiều địa phương tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một trong những nguyên nhân là do không ít người dân có biểu hiện chủ quan trong phòng, chống dịch (PCD). Đáng lưu ý, thời điểm cuối năm cũng là dịp nhiều gia đình tổ chức lễ cưới, tảo mộ, sang cát, giỗ chạp... tập trung đông người, nếu không nâng cao ý thức phòng dịch thì rất dễ làm lây lan dịch bệnh.

Khi F0 dự đám giỗ...

Mới đây, tại một đám cưới trên địa bàn xã Hải Hưng (Hải Hậu, Nam Định), sau khi cô dâu được nhà trai đón về thì phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngày vui của gia đình đã không trọn vẹn khi cô dâu không may nhiễm Covid-19 và nhiều thành viên trong đoàn đón dâu bỗng trở thành... F1!

Trước đó, cuối tháng 10-2021, ổ dịch Covid-19 tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội) bùng phát với hàng trăm ca nhiễm, mà một trong những nguyên nhân là do có trường hợp F0 đi dự đám cưới, đám tang, đám giỗ trong thôn. Cũng tương tự tại thôn Bạch Trữ, theo Ban chỉ đạo PCD Covid-19 huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), những ngày trung tuần tháng 11 vừa qua, ổ dịch tại thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa diễn biến rất phức tạp. Qua điều tra dịch tễ, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp F0 đã đi dự đám giỗ trên địa bàn thôn khiến việc truy vết, bao vây dập dịch càng thêm khó khăn, vất vả...

Qua các vụ việc nêu trên có thể thấy nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong các đám cưới, đám tang... là rất cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở các địa phương tăng mạnh, cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thì một bộ phận không nhỏ người dân xuất hiện tâm lý chủ quan trong PCD. Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương chúng tôi thấy, vẫn có không ít gia đình tổ chức việc cưới, việc tang kéo dài, tập trung ăn uống đông người, vi phạm các quy định về PCD. Đây là điều rất đáng lo ngại, nhất là hiện nay đã xuất hiện biến thể Omicron và không loại trừ khả năng có thể lây lan vào nước ta.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Dang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông) phối hợp tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tháng 10-2021. Ảnh: HỒNG THẮM.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Dang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông) phối hợp tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tháng 10-2021. Ảnh: HỒNG THẮM.

Quan trọng nhất là ý thức của người dân

Nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan dịch Covid-19 trong việc cưới, việc tang, nhiều địa phương đã ban hành các quy định cụ thể để quản lý. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 157/HD-SVHTT hướng dẫn thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Theo đó, khi tổ chức lễ cưới, mỗi gia đình phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện PCD theo quy định; cần rút ngắn thời gian tổ chức và không tập trung quá 30 người trong cùng một thời điểm; người ngoài gia đình chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều không nên tham dự; ban tổ chức, nhân viên phục vụ lễ cưới phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người thuộc diện cách ly hoặc có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 không được tham dự. Với việc tang, ngoài những quy định như ở việc cưới, không được tổ chức ăn uống tại lễ tang; hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người...

Ông Quảng Đức Hạnh, Trưởng phòng Quản lý gia đình và nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan này đã có Văn bản số 1644/HD-SVHTTDL ngày 25-11-2021 hướng dẫn tổ chức việc cưới, việc tang trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các quy định rất cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, như: Người tham dự lễ cưới, lễ tang phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 hoặc có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế, chấp hành tốt quy tắc 5K; người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm Covid-19 không được tham dự...

Đối với địa bàn có dịch cấp độ 4, tạm dừng tổ chức lễ cưới; với địa bàn có dịch cấp độ 3, các gia đình điều chỉnh thời gian tổ chức lễ cưới vào thời điểm thích hợp khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch hoặc địa bàn đã ổn định. Ở các địa bàn còn lại, rút ngắn thời gian tổ chức lễ cưới trong một ngày; địa bàn ở cấp độ 1 không tập trung quá 50 người cùng một thời gian ở cùng một địa điểm; địa bàn ở cấp độ 2 không tập trung quá 50 người/đám cưới... Không tổ chức ăn uống tại lễ tang, lễ 49 ngày, 100 ngày...; rút ngắn thời gian tổ chức và hạn chế số người tham dự lễ tang, địa bàn cấp độ 1, 2, các đoàn vào thăm viếng không quá 5 người/đoàn, địa bàn dịch ở cấp độ 3, 4, mỗi đoàn không quá 3 người...

Cũng theo ông Quảng Đức Hạnh, mặc dù các quy định về PCD khi tổ chức việc cưới, việc tang được ban hành đầy đủ, nhưng việc thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc vào công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt là ý thức của người dân. Mỗi người dân cần chủ động, tự giác chấp hành nghiêm các quy định PCD nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-virus-corona-2019-ncov/b%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BA%A3m-ph%C3%B2ng-d%E1%BB%8Bch-covid-19-trong-vi%E1%BB%87c-c%C6%B0%E1%BB%9Bi-vi%E1%BB%87c-tang