Phòng chống xâm hại trẻ em, phải hành động từ nhiều phía

Hiện nay, tình trạng xâm hại trẻ em là vấn nạn nhức nhối đang được xã hội quan tâm. Tuy vậy, tại nhiều nơi tình trạng này vẫn đang diễn ra khá phức tạp đã đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả cho các cơ quan chức năng liên quan cũng như toàn xã hội.

 Bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em cần có sự chung tay hành động của toàn xã hội. Ảnh: ĐV

Bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em cần có sự chung tay hành động của toàn xã hội. Ảnh: ĐV

Đakrông là huyện miền núi với đa phần các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức của người dân chưa cao nên nguy cơ xảy ra xâm hại đối với trẻ em là rất lớn. Tại xã Đakrông, đến nay có 2.346 em dưới độ tuổi 18, trong đó có 942 em trong độ tuổi từ 12- 18; 250 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 9 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn xã có 6 trường hợp trẻ em kết hôn sớm. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, đời sống nhân dân còn nghèo; công tác tuyên truyền phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình còn hạn chế; ảnh hưởng từ việc tiếp cận thông tin không lành mạnh… Về xâm hại trẻ em, vào tháng 8/2018 trên địa bàn xã Đakrông đã xảy ra vụ xâm hại trẻ đặc biệt nghiêm trọng (bố hiếp dâm con gái ruột dưới 3 tuổi). Hiện nay bố cháu bé đã bị kết án 15 năm tù giam, mẹ bỏ đi làm ăn xa, còn lại 4 anh em tự chăm sóc lẫn nhau. Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Nha cho biết, trường hợp trẻ bị xâm hại nêu trên là rất đau lòng. Theo ông Nha ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã kịp thời báo cáo lên cấp trên. Đảng ủy, UBND và Ban bảo vệ trẻ em xã tiến hành họp nhằm xây dựng kế hoạch can thiệp hỗ trợ và đến nay đã hỗ trợ nhiều mặt cho 4 cháu này. Để thực hiện phòng chống kết hôn sớm và xâm hại trẻ em, xã Đakrông đã được huyện chọn thí điểm thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em và đã “Xây dựng quy ước bảo vệ trẻ em bền vững tại các thôn, bản”.

Từ khi quy ước đi vào cuộc sống của người dân thì công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm hơn. Ngoài ra xã cũng được hỗ trợ khởi động thực hiện “Dự án phòng tránh tảo hôn trẻ em”. Trong 3 năm qua Ban bảo vệ trẻ em xã đã tiến hành thăm hỏi, động viên gần 200 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có con nguy cơ bỏ học kết hôn sớm. Hiện nay đã có 35 em nguy cơ bỏ học đã được hỗ trợ từ kế hoạch hành động của xã giúp đỡ tiếp tục đến trường. Nhiều hoạt động như tập huấn về quyền trẻ em, kĩ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên được triển khai… Tại xã cũng đã thành lập và tổ chức nhiều mô hình sinh kế cho thanh niên như: Nuôi dê cho thanh niên (các thôn Khe Ngài, Làng Cát, Cu Pua, Vùng Kho); mô hình làm chổi đót kết hợp tiết kiệm vốn vay thôn bản ở Cu Pua; mô hình quán nước CLB bạn gái khởi nghiệp thôn Klu. Nhìn chung các mô hình hoạt động bước đầu đạt hiệu quả tích cực đã từng bước thay đổi nhận thức cho thanh thiếu niên.

Để trang bị kiến thức cho các bà mẹ có con nhỏ và trẻ em gái vùng khó về phòng chống xâm hại tình dục, thời gian gần đây, Hội LHPN huyện Đakrông đã thành lập và duy trì tốt mô hình CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục” tại địa phương. Mô hình này được triển khai tại thôn Cu Pua, xã Đakrông và thôn Ra Lu, thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp. Mô hình CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục” thôn Ruộng và thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp thành lập cuối năm 2017, có 20 cặp mẹ và con gái (độ tuổi từ 10-18) tham gia. CLB sinh hoạt đều đặn hằng tháng với nội dung và hình thức khá phong phú. Ngay khi vào đầu buổi sinh hoạt, các thành viên được cung cấp những thông tin mới nhất về nạn xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các mối nguy hiểm và các điều kiện, khả năng, hoàn cảnh dẫn đến trẻ em bị xâm hại; các loại hành vi xâm hại; dấu hiệu trẻ em bị xâm hại và trách nhiệm khi phát hiện… Sau đó, CLB triển khai kiến thức về giáo dục giới tính, kĩ năng bảo vệ bản thân, kĩ năng phát hiện người xấu, người tốt và người lạ cho trẻ em gái tránh và phòng ngừa nếu không may gặp phải. Thông qua đó giúp các em hiểu biết cơ bản về giới tính và cách phòng vệ tránh bị xâm hại, tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lí khi bắt gặp những đối tượng xấu xung quanh mình trong cuộc sống hằng ngày.

Qua hơn 2 năm thành lập, mô hình đã nâng cao nhận thức cho các bà mẹ cũng như em gái ở tuổi vị thành niên trong việc phòng chống xâm hại tình dục. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết, từ khi thành lập đến nay, các CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục” trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, giúp phụ nữ và trẻ em gái nhận thức được tầm quan trọng của việc tự bảo vệ bản thân và bảo vệ những người xung quanh khi gặp tình huống bất trắc. Thời gian tới hội sẽ nhân rộng mô hình này đến các xã còn lại.

Một sự việc gây chú ý của dư luận, ở huyện Triệu Phong mới đây đã đưa ra xét xử vụ nhóm 10 nam sinh hiếp dâm tập thể một nữ sinh xảy ra vào tháng 3/2019. Kết quả phiên tòa đã tuyên án phạt thích đáng dành cho các đối tượng phạm tội. Đây là sự việc vô cùng đau xót và cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Đồng thời qua sự việc này càng thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa xâm hại trẻ em. Thời gian qua Hội LHPN huyện Triệu Phong đã triển khai mô hình CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục”.

Chị Lê Thị Thúy Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Phong cho biết, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập và đi vào hoạt động CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục” tại các xã: Triệu Hòa, Triệu Ái, Triệu Phước, Triệu Đông, Triệu Độ. Thông qua sinh hoạt CLB đã trang bị các kiến thức, kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em; mời các ban, ngành chuyên môn tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng chống xâm hại trẻ em, hiểu biết thêm về Luật Trẻ em… nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ trẻ em. “Chúng tôi cũng kiến nghị, thời gian tới để các mô hình CLB hoạt động hiệu quả, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp tích cực hơn nữa, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm, hái hoa dân chủ, sân khấu hóa các nội dung tuyên truyền một cách sinh động, dễ tiếp cận… Bởi khi mọi người hiểu biết rõ về hậu quả của xâm hại, biết được cách thức, kĩ năng phòng chống thì công tác bảo vệ trẻ em mới đạt được hiệu quả cao”, chị Vân nêu kiến nghị.

Mới đây, trong các đợt giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em ở huyện Đakrông và huyện Triệu Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng lưu ý rằng, xâm hại trẻ em có nhiều hình thức như xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bạo hành… và tất cả các hành vi này đều để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em về cả thể chất và tinh thần. Do vậy yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng liên quan thực hiện công tác bảo vệ trẻ em cần có sự nhận diện đầy đủ về xâm hại trẻ em để có giải pháp bảo vệ phù hợp, hiệu quả; phải có sự chung tay, vào cuộc từ nhiều phía, trước hết phải là các cơ quan liên quan, các đoàn thể, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Để đạt được hiệu quả cao trong phòng chống xâm hại trẻ em, một mặt cần xử lí nghiêm khắc các vụ xâm hại trẻ em, mặt khác tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chung tay hành động bảo vệ trẻ em, để trẻ em luôn có cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144532