Phòng Công tác Xã hội bệnh viện - hậu phương vững chắc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Phòng Công tác xã hội được coi là cầu nối quan trọng nhất kết nối giữa bệnh viện, các y bác sĩ với bệnh nhân. Trong suốt thời gian dịch COVID-19 diễn ra, họ không có khái niệm về hết giờ làm việc hay nghỉ ngơi cuối tuần.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở TP.HCM, đội ngũ phòng Công tác Xã hội (CTXH) của các bệnh viện đã cố gắng hết sức, làm việc hết mình và mang lại nhiều giá trị nhân văn đối với bệnh nhân cũng như các y bác sĩ.

Chỉ cần anh em lên tiếng chúng tôi sẽ đáp ứng

Trò chuyện với phóng viên Sức khỏe và Đời sống, Ths Lê Minh Hiển - Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ rất nhiều về những kỷ niệm khó quên trong thời gian bùng dịch vừa qua. Theo đó, phòng CTXH được coi là hậu phương để cho các y bác sĩ cũng như các bệnh nhân dựa vào trong thời gian khó khăn này.

"Trong thời gian đầu bệnh viện thiếu rất nhiều thứ, từ thực phẩm, các dụng cụ cho tới vật tư y tế. Tôi cũng như các anh chị em trong phòng liên tục nhận được các tin nhắn "cầu cứu" từ các anh em bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 và các bệnh viện dã chiến . Thời gian đó chúng tôi không có khái niệm về hết giờ làm việc hay nghỉ ngơi cuối tuần. Chỉ khi nào cảm thấy mình không thể làm việc được nữa thì mới nghỉ ngơi một chút. Khối lượng công việc quá nhiều khiến cho chúng tôi làm việc không thể thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, nên đành phải tới đâu thì hay tới đó", Ths Lê Minh Hiển nhớ lại.

Chỉ cần các bác sĩ lên tiếng thì Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bằng mọi cách cung cấp đầy đủ cho anh em an tâm chống dịch. Ảnh nhân vật cung cấp

Chỉ cần các bác sĩ lên tiếng thì Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bằng mọi cách cung cấp đầy đủ cho anh em an tâm chống dịch. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ việc tìm kiếm, kêu gọi tài trợ cho tới việc sắp xếp chỗ ở và chuẩn bị tầng bữa ăn cho bệnh nhân và đội ngũ bác sĩ chống dịch đều do Phòng Công tác Xã hội lo chu toàn. Đặc biệt, việc cung cấp những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho đội ngũ chiến sĩ áo trắng chống dịch được chúng tôi triển khai từ rất sớm. Cùng với đó là những bàn tiếp thực tại các khách sạn được dùng làm nơi lưu trú cho các bác sĩ được triển khai và kéo dài tới cuối tháng 2/2022.

Dù qua những lớp khẩu trang nhưng vẫn có thể nhìn thấy được niềm vui hiện rõ trên đôi mắt của bác bác sĩ, điều dưỡng. Họ không nghĩ rằng mình lại có thể nhận được những món quà, những sự quan tâm của mọi người như thế. Cũng từ đó đội ngũ bác sĩ có thêm được động lực để vượt qua thời gian này.

"Tôi gặp anh Linh (bác sĩ 91 Trần Thanh Linh - PV) trong một ca trực, tôi hỏi anh có cần gì không để chúng tôi cung cấp cho. Anh Linh nói là anh chỉ thèm một ổ bánh mỳ bệnh viện. Cho tới giờ phút này, mỗi lần tôi nhớ lại thì tôi vẫn không cầm được lòng, tôi cảm thấy thương và quý các đồng nghiệp của mình hơn bao giờ hết", anh Hiển xúc động hồi tưởng lại.

Những thứ tưởng chừng như rất đơn giản, rất dễ dàng nhưng lại là cả một mơ ước trong thời gian này. Tuy vậy, chỉ cần anh em lên tiếng thì Phòng CTXH sẽ tìm mọi cách để có thể cung cấp được đầy đủ nhất cho anh em. Từ những gói dầu gội đầu, giấy vệ sinh, băng vệ sinh phụ nữ,...

Thiết kế bàn tiếp thực hỗ trợ anh chị em bác sĩ bổ sung năng lượng sau ngày dài làm việc. Ảnh nhân vật cung cấp

Thiết kế bàn tiếp thực hỗ trợ anh chị em bác sĩ bổ sung năng lượng sau ngày dài làm việc. Ảnh nhân vật cung cấp

Ám ảnh, muốn bỏ cuộc nhưng...không đành lòng

Để hỗ trợ thân nhân bệnh nhân, Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập ra 2 kênh đó chính là Fanpage Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 số zalo. Mỗi ngày có khoảng 500 trường hợp liên hệ tìm kiếm nhân thân. Bộ phận phản hồi của Phòng Công tác xã hội sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin nhập viện và tình trạng mới nhất của bệnh nhân cho người nhà được biết. Đây được coi là một trong những điểm sáng trong công tác hỗ trợ thân nhân tìm kiếm người nhà của mình đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện phục hồi COVID-19.

Chị Đoàn Đỗ Hạ Huyên là một trong những người quản lý trang Fanpage Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ rằng, tình trạng thất lạc bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến và bệnh viện tuyến trên rất nhiều.

Được báo tin bệnh nhân đang phục hồi và sắp được quay về nhà khiến cho những nhân viên trong Phòng Công tác Xã hội có thêm động lực làm việc. Ảnh nhân vật cung cấp;

Được báo tin bệnh nhân đang phục hồi và sắp được quay về nhà khiến cho những nhân viên trong Phòng Công tác Xã hội có thêm động lực làm việc. Ảnh nhân vật cung cấp;

"Chúng tôi đã tìm kiếm và cung cấp thông tin bệnh nhân sớm nhất có thể cho các thân nhân. Rất đáng tiếc là có rất nhiều thân nhân khi nhận được thông tin đầu tiên về người nhà lại là tin tử vong. Thực sự chưa bao giờ tôi chứng kiến nhiều cái chết tới vậy. Đã rất nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc vì bị ám ảnh nhưng tôi đã đặt mình vào vị trí của họ. Hiểu được sự lo lắng và muốn biết thông tin tình trạng người nhà của họ như thế nào thì tôi lại cố gắng quay lại làm việc. Nhiều lúc 1-2 giờ sáng nghe tiếng tin nhắn tôi cũng ngồi dậy để kiểm tra tình trạng bệnh nhân để báo cho người nhà được an tâm", chị Huyên cho hay.

Hạ Huyên nói thêm, thực sự đây là lần đầu tiên chị phải báo thông tin tử vong tới người nhà bệnh nhân. Thậm chí có người 1 ngày chị báo 3-4 lần. Mỗi lần như vậy cảm xúc của chị bị tụt dốc. Có những ca bệnh chồng hỏi thông tin vợ nhưng lại nhận được thông tin vợ đang có bầu song thai và đã tử vong. Hay có trường hợp chị gái hỏi thăm tình trạng em gái của mình và nhận lại thông tin đã tử vong trước đó mấy ngày rồi, trong khi đó cô em gái đó còn có 3 con nhỏ, đứa lớn nhất mới có 9 tuổi.

"Tôi cũng đã có gia đình, cũng có cha mẹ già và con nhỏ, những điều như vậy tôi thấu hiểu là sự mất mát rất lớn nhưng cũng không làm được gì hơn ngoài an ủi họ", chị Huyên xúc động nói.

Hai kênh tìm kiếm bệnh nhân cho thân nhân đã giúp được rất nhiều các thân nhân biết được tình trạng của người thân nằm viện. Ảnh nhân vật cung cấp

Hai kênh tìm kiếm bệnh nhân cho thân nhân đã giúp được rất nhiều các thân nhân biết được tình trạng của người thân nằm viện. Ảnh nhân vật cung cấp

Bên cạnh việc thông báo những tin dữ thì cũng có những trường hợp giúp cho chị Huyên và những người hỗ trợ thân nhân tìm kiếm bệnh nhân cảm thấy có hy vọng hơn và muốn tiếp tục làm công việc ý nghĩa này. Được báo tin bệnh nhân sắp xuất viện hay bệnh nhân đang hồi phục là điều mà tất cả mọi người đều mong đợi.

Trải qua thời gian dịch bệnh căng thẳng mới thấy được vai trò của Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy thực sự rất lớn. Không chỉ kết nối bệnh nhân với đội ngũ bác sĩ mà còn hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Thức ăn, quần áo và các chuyển xe từ thiện ấm lòng

Từ việc tìm bệnh nhân, tìm thân nhân, hỗ trợ bệnh nhân xuất và nhập viện hay thậm chí là việc liên hệ xe để đưa bệnh nhân về tận nhà đều do Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện. Phòng đã kêu gọi được khoảng 300 chuyến xe với khoảng 1000 bệnh nhân đã được các xe trung chuyển chở về nhà sau khi điều trị.

Việc tìm kiếm các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong thời gian dịch bệnh tưởng chừng như rất khó khăn nhưng Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai kêu gọi rất hiệu quả. Ngay khi có thông báo cần hỗ trợ thì có rất nhiều các nhà hảo tâm đứng ra giúp đỡ. Từ giày dép, quần áo, thức ăn, trái cây, trứng, sữa,... đều được mọi người gửi về Phòng CTXH hàng ngày.

Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các bệnh thường quân như quần áo, dép, thực phẩm... Ảnh nhân vật cung cấp

Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các bệnh thường quân như quần áo, dép, thực phẩm... Ảnh nhân vật cung cấp

Cử nhân Phạm Tiến Phát - Cán bộ Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Tôi thực sự rất ấn tượng với các nhà hảo tâm đã hỗ trợ chúng tôi trong thời gian qua. Đặc biệt là chị Hà, chủ của một nhà hàng. Chị Hà có liên hệ với chúng tôi, mong muốn cung cấp 250 suất ăn mỗi ngày cho Bệnh viện Chợ Rẫy và chị đã cung cấp cho chúng tôi trong thời gian rất dài. Rồi có mạnh thường quân thì cung cấp hơn 500 kg trái cây mỗi tuần. Trong thời gian khó khăn về mọi mặt như vậy, các nhà hảo tâm vẫn giúp sức nhiệt tình khiến chúng tôi không khỏi nể phục và trân trọng "

Bên cạnh đó, để có thể đảm bảo an toàn cho thân nhân bệnh nhân khi bệnh nhân quay về nhà từ Bệnh viện phục hồi COVID-19, Phòng CTXH Bệnh Viện Chợ Rẫy cũng đã kêu gọi và nhận được rất nhiều quần áo, dép để bệnh nhân về nhà. Và những bộ quần áo này đã trở thành đồng phục của các bệnh nhân sau khi rời viện.

Phòng Công tác Xã hội đã tham gia vào quá trình chống dịch từ những bước đầu tiên cho tới những bước cuối cùng, trao trả bệnh nhân cho người nhà. Lo lắng và tìm cách có được những thứ nhỏ nhất, từ bữa cơm manh áo để các bác sĩ yên tâm chống dịch nơi chiến trường. Ai cũng có thể nghỉ ngơi nhưng riêng Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy cho tới giờ phút này vẫn đang làm việc và nỗ lực hết mình.

Phạm Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//phong-cong-tac-xa-hoi-benh-vien-hau-phuong-vung-chac-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19-169220325061628042.htm