Phòng dịch an toàn, duy trì phong độ

Hiện nay, một số đội tuyển thể thao Việt Nam đang chuẩn bị tập huấn, thi đấu quốc tế trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. Phương án phòng dịch đã được thực hiện tốt và đây cũng là lúc tính đến phương án khác khi các đội tuyển trở về Việt Nam.

Đội tuyển futsal Việt Nam tập luyện trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Ảnh: VFF

Phòng dịch nghiêm ngặt

Hiện tại, nhiều đội tuyển thể thao quốc gia vẫn đang tập trung tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng dịch. Trong số này, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập trung tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Ông Bùi Xuân Hà, huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, kể: “Đội gồm 16 thành viên, từ hơn 2 tháng qua đã được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội yêu cầu thực hiện theo quy trình ăn ở, tập luyện khép kín, không tiếp xúc với người ngoài. Các huấn luyện viên đã được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 và từ khi có lệnh “cấm trại” cũng không về nhà”.

Trong khi đó, tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), hiếm khi có nhiều đội tuyển cùng tập trung đến vậy. Ở đây, ngoài đội tuyển Olympic, đội tuyển nữ và nữ trẻ quốc gia, hai đội tuyển bóng đá quốc gia và bóng đá trong nhà (futsal) quốc gia đang tập trung cao độ để chuẩn bị cho Vòng chung kết Futsal thế giới 2021 và vòng loại thứ ba World Cup 2022, khu vực châu Á - đều diễn ra vào tháng 9 tới.

Cuối tuần trước, đội tuyển futsal di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội với cách làm “Mô hình bong bóng” (mô hình khép kín từ di chuyển tới sân bay và từ sân bay đến nơi ở, tập luyện, thi đấu) đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Trưởng đoàn futsal Việt Nam Trần Anh Tú, trong thời gian tại Hà Nội trước khi sang Tây Ban Nha tập huấn, đội tiếp tục ăn ở, tập luyện, sinh hoạt, di chuyển theo “Mô hình bong bóng”, các thành viên thường xuyên được xét nghiệm.

Điều tương tự cũng được áp dụng với đội tuyển bóng đá quốc gia cũng như các đội tuyển khác đang tập trung tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để bảo đảm tối đa an toàn về nhân sự.

Như nhận định của ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục - Thể thao), đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống dịch tại Việt Nam. Các đội tuyển thể thao cần đồng hành bằng việc thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Và đó cũng là cách tốt nhất để duy trì thành tích trong tương lai.

Giải pháp “kép” tối ưu

Nếu như việc tập huấn trong nước trước các kỳ thi đấu quốc tế đã được các đội tuyển thực hiện nghiêm thì đến nay, việc trở về Việt Nam sau mỗi lần thi đấu quốc tế vẫn mang đến những ưu tư nhất định. Theo quy định, sau khi tập huấn, thi đấu quốc tế trở về nước, các đội tuyển phải thực hiện cách ly. Hơn một năm qua, các đội tuyển thường cách ly y tế ở các khu cách ly tập trung hoặc khách sạn. Vấn đề là khi cách ly y tế, thường thì các đội tuyển và vận động viên rất khó duy trì cường độ vận động hợp lý nhằm duy trì phong độ do thiếu thiết bị và không có không gian tập luyện phù hợp.

Nguyên phụ trách bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Dương Đức Thủy nhận định, việc chỉ tập luyện trong phòng trong khoảng hơn chục ngày sẽ ảnh hưởng đến phong độ của vận động viên, nhất là ở những môn đòi hỏi sức mạnh, tốc độ. Và, cần hàng tháng trời để vận động viên lấy lại phong độ sau khoảng nửa tháng tập luyện cầm chừng. Bài học của đội tuyển cử tạ sau khi dự Giải vô địch châu Á vào cuối tháng 4 vừa qua vẫn còn đó khi họ phải ở khu cách ly tập trung trong hơn 40 ngày (chưa hết thời gian cách ly 21 ngày thì phải thực hiện cách ly tiếp 21 ngày do trong khu cách ly có ca dương tính với Covid-19). Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến đội tuyển không thể đạt thành tích mong muốn ở Olympic Tokyo 2020.

Cho nên, vấn đề hiện nay là phải bảo đảm điều kiện cách ly theo quy định đồng thời giúp vận động viên không bị mất phong độ trong quá trình cách ly. Vì vậy, ngành Thể thao cần xin cơ chế để được thành lập khu cách ly ngay tại các trung tâm huấn luyện thể thao dành cho các đội tuyển vừa thi đấu quốc tế trở về. Điều kiện về cơ sở vật chất, dinh dưỡng, đội ngũ nhân viên y tế tại các địa điểm này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cách ly cũng như tập luyện nhằm duy trì phong độ của các vận động viên. Theo ông Hoàng Quốc Vinh, điều quan trọng là xây dựng được phương án cách ly an toàn, bảo đảm không ảnh hưởng đến các đội tuyển khác đang tập trung ở các trung tâm huấn luyện thể thao.

Trong khi đó, ông Đỗ Đình Kháng, Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho rằng, ngành Thể thao cần đẩy nhanh việc tham mưu với cơ quan quản lý để giải ngay bài toán “cách ly an toàn, duy trì phong độ” của các vận động viên.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1009373/phong-dich-an-toan-duy-tri-phong-do