Phỏng dựng tượng Đức Thích Ca sơ sinh thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo: Lan tỏa giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, văn hóa Phật giáo

Sau thành công bước đầu của việc phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý vào năm 2020, Dự án SEN Heritage vừa tiếp tục công bố hình ảnh tượng Đức Thích Ca sơ sinh tọa trên cột đá chạm búp sen rồng cuốn thời Lý, cùng với đó là giả thiết, tượng cùng tòa sen có thể được đặt tại ao rồng chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cách đây hơn 9 thế kỷ.

Tòa Thích Ca sơ sinh đặt trong ao Linh Chiêu, cạnh Liên Hoa Đài - trung tâm của chùa Diên Hựu thời Lý Ảnh: SEN Heritage

Tòa Thích Ca sơ sinh đặt trong ao Linh Chiêu, cạnh Liên Hoa Đài - trung tâm của chùa Diên Hựu thời Lý Ảnh: SEN Heritage

Nghi lễ tắm Phật có ở Việt Nam từ bao giờ?

Công trình phỏng dựng tiến hành dựa trên việc nghiên cứu các hiện vật khảo cổ như trụ đá Bách Thảo, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh… Trong số đó, trụ đá Bách Thảo, đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, còn trụ đá tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) đã mất, nhưng còn ảnh chụp từ thời Pháp. Cả 2 hiện vật này đều đã bị mất phần tượng, gãy phần chân và phần ngọn.

Công trình phỏng dựng bao gồm các sản phẩm như: bản chế tác trên đá, bản vẽ 2D, bản vẽ 3D trụ đá, bản AR Tu Di đài Thích Ca sơ sinh, bản phỏng dựng thực tế ảo 3D-VR3D-VR Thích Ca sơ sinh dựa theo phong cách mỹ thuật thời Lý.

Các phiên bản hiện vật này đang được trưng bày trong không gian Lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ và chùa Phật Tích bắt đầu từ ngày 8 tháng 4 âm lịch năm Tân Sửu- Tuần lễ Phật đản PL.2565.

PGS.TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, truyền thuyết về Đức Phật đản sinh được ghi chép trong rất nhiều bộ kinh khác nhau như sách “Phật tổ thống kỷ” hay là “Phổ diệu kinh”. Hoạt cảnh Thích Ca sơ sinh cũng đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm điêu khắc trong văn hóa: Ấn Độ, Thái Lan, Champa, Khmer, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Các bức tượng này ngoài việc chiếm một vị trí trong hệ thống thờ tự Phật giáo, còn xuất hiện trong nghi lễ tắm Phật để thể hiện diễn năng của hệ thống tín đồ bình dân lẫn vương giả. Tại Việt Nam, hình ảnh tòa Cửu Long hiện còn hầu hết có niên đại từ thời nhà Mạc (khoảng năm 1530) trở về sau.

Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích - Ảnh do SEN Heritage cung cấp

Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích - Ảnh do SEN Heritage cung cấp

Theo nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân, số lượng tượng Thích Ca sơ sinh thời Mạc có thể từ 20 đến 49 pho. Ở thời kỳ này, các bức tượng Thích Ca sơ sinh đã chiếm một vị trí vững chắc trên ban Tam bảo cùng với tượng Quan Thế Âm. Tuy nhiên, các tượng này đôi khi được giảm thiểu đến mức tối đa, chỉ gồm một tòa sen và hình Thái tử một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất. Dù tư liệu văn bia không còn, nhưng hai tòa Cửu Long hiện còn cho thấy hình chế “chín rồng phun nước” hẳn đã ảnh hưởng đến phương diện tạo hình.

PGS.TS Trần Trọng Dương nhận định, về mặt lý thuyết, mô típ Thích Ca sơ sinh và nghi lễ tắm Phật (mộc dục) có thể đã truyền vào Việt Nam cùng với dự truyền nhập của Phật giáo từ rất sớm, khoảng thế kỷ II-III đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Thế nhưng, với hình ảnh Cửu Long, thì có lẽ mới từ đời Đường trở về sau. Sử liệu Việt Nam sớm nhất hiện còn được đề cập đến trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh năm 1121 đời vua Lý Nhân Tông, bia này có đoạn: “nhiễu quanh vẻ báu Cửu Long, điềm lành sánh hơn châu ngọc”. Nghi lễ tắm Phật tại chùa Diên Hựu (Nhất Trụ - Một Cột) cũng đã được ghi lại trong văn bia này.

Hình ảnh phỏng dựng Đức Thích Ca sơ sinh trên tòa sen thời Lý

Hình ảnh phỏng dựng Đức Thích Ca sơ sinh trên tòa sen thời Lý

Tìm lại hình ảnh Đức Thích Ca sơ sinh thời Lý

Theo các nghiên cứu của cố GS Hà Văn Tấn, “Từ Lê trung hưng cho đến Nguyễn, tức từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX, các dấu tích văn vật của tòa Cửu Long đã trở nên phong phú hơn bao giờ hết, đã trở thành một phần không thể thiếu trong thượng điện của bất kỳ ngôi chùa nào. Riêng ở Hà Nội, có thể kể ra hàng loạt hiện vật tòa Cửu Long tại chùa Hội Xá, chùa Bảo Đài Cổ Sái (thuộc quần thể chùa Hương Tích), chùa Phúc Khánh, chùa Ngọc Trục, chùa Kiến Sơ, chùa La Khê (Hoài Đức), chùa Cả, chùa Thầy (Thạch Thất, Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai)... Tuy nhiên, cho tới hiện tại, chưa tìm thấy hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý nào.

Theo suy đoán của nhóm nghiên cứu, ao rồng ở cấp nền thứ 4 chùa Phật Tích (Bắc Ninh) là một loại di chỉ như vậy. PGS.TS Trần Trọng Dương cho biết: “Qua nhiều lần khảo sát trực tiếp tại di tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy, chiếc ao này khả năng cao là một loại công trình gắn liền với Thích Ca sơ sinh lộ thiên vào thời Lý, giống như “Cửu Long mộc Thái tử” ở Bảo Đỉnh (Đại Túc, Tứ Xuyên) được dựng vào quãng năm 1174- 1252 đời Nam Tống”.

Hiện vật đá chạm búp sen rồng cuốn hiện lưu tại bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp

Hiện vật đá chạm búp sen rồng cuốn hiện lưu tại bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp

Khảo tả phế tích tại chùa Phật Tích hiện nay cho thấy, ao rồng này có hình bán nguyệt giống như ở Bảo Đỉnh, phần bán nguyệt hướng ra ngoài, mép đường kính song song với vách núi, sâu khoảng 1,6- 1,7m; bệ đá nằm dưới đáy ao rồng đã bị đánh bạt gần như nhẵn, song phía chân bệ đá, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy các mảng cửu sơn bát hải (hình sóng và núi) đặc trưng cho phong cách nghệ thuật Phật giáo thời Lý; gần mép phía trên mặt bệ là dấu vết các bàn chân có móng rồng, phía trên bàn đá là bậc tam cấp đá dẫn lên các tầng núi.

“Từ khảo sát như vậy chúng tôi đi đến một giả thuyết phục dựng như sau. Ao rồng xưa kia có khả năng là một loại hình kiến trúc Phật giáo lộ thiên, với trung tâm là một hình tượng Thích Ca sơ sinh (có thể là tách rời so với bàn đá ăn liền với sườn núi) cùng với hệ thống các điêu khắc cửu long chầu quanh. Vào dịp Phật đản, người chủ lễ (có khi là hoàng đế), sẽ đi từ trên bậc thang xuống và tiến hành nghi lễ tắm Phật. Nếu giả thuyết này có thể chấp nhận được thì đây có thể coi như dấu vết vật chất sớm nhất cho tòa Cửu Long trong văn hóa Việt Nam”, PGS.TS Trần Trọng Dương đưa ra nhận định.

Kết hợp các tư liệu hiện còn, SEN Heritage đã phục dựng lại toàn bộ cấu trúc của tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với cấu trúc gồm 3 phần: phần 1 là chân trụ, gồm một phiến đá 6 cạnh, giật 3 cấp; phần 2 là thân trụ gồm đồ án cửu sơn bát hải, song long hiến châu và tòa sen; phần thứ 3 là phần tượng Thích Ca sơ sinh.

Vật phẩm đề xuất tòa Tu Di tắm phật thời Lý được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn thành vật phẩm chính thức trong Ngày lễ tắm phật 2021

Vật phẩm đề xuất tòa Tu Di tắm phật thời Lý được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn thành vật phẩm chính thức trong Ngày lễ tắm phật 2021

PGS.TS Trần Trọng Dương đưa ra minh chứng một bức ảnh chụp không gian chùa Phật Tích được công bố tại Pháp năm 1954 bởi học giả Bezacier. Trong bức ảnh này, phía trên phần trụ đá Phật Tích có đặt tượng Thích Ca sơ sinh. Học giả Bezacier mô tả: “Chính giữa tam bảo, trên một chiếc bệ, đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni, thể hiện Đức Phật sau khi đản sinh, đã bước đi 7 bước về 4 phương trời. Thông thường, xung quanh có 9 con rồng chầu nên được gọi là Thích Ca Cửu Long Động. Ở 2 bên có tứ Thiên Vương đứng đối diện nhau. Cũng trên những bệ ấy, có 2 pho tượng khác nữa là Ngọc Hoàng và Đế Thích, mỗi bên một pho”.

Năm 1988, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng mô tả lại hiện vật này với “bước đi” xa hơn Bezacier khi cho rằng đây là hiện vật thời Lý: “Ở tòa Thiêu Hương có đặt tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên trụ đá chạm rồng. Trụ đá điêu khắc từ thời Lý, tượng Thích Ca sơ sinh có tứ Thiên Vương ngồi chầu 2 bên, mỗi bên 2 pho. Một bên là tượng Ngọc Hoàng, một bên là Đế Thích, đằng sau là Di Lặc, Phổ Hiền cưỡi Bạch Tượng và Văn Thù cưỡi Thanh Sư”. Theo kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, vị trí đặt của tượng là ở trước ban Tam bảo của chùa Phật Tích.

Có thể nói, tòa Thích Ca sơ sinh là trung tâm của nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo. Từ thời Lý, tín ngưỡng thờ Thích Ca đản sinh gắn liền với ngày Phật đản (mùng 8 tháng 4 âm lịch).

Nhóm nghiên cứu SEN Heritage cho biết, việc phục dựng hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý sẽ gắn liền với việc phục dựng lễ tắm Phật ở tầm mức quốc gia, trong không gian cụ thể là chùa Diên Hựu - Một Cột, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như văn hóa Phật giáo.

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-dung-tuong-duc-thich-ca-so-sinh-thoi-ly-bang-cong-nghe-thuc-te-ao-lan-toa-gia-tri-van-hoa-dai-viet-thoi-ly-van-hoa-phat-giao-post467822.antd