Phòng giáo dục Cái Nước không ký hợp đồng làm việc với giáo viên trước 1/7/2003?
Nếu thông tin này là sự thật thì đây chính là sự vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý viên chức.
Ngày 28/11/2019, trong phiên tòa xét xử sơ vụ án Lao động thụ lý số 01/2019/TLST-LĐ ngày 25/1/2019 về việc “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại” do cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh là nguyên đơn và bị đơn là ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông.
Trong quá trình xét xử, ông Trần Quốc Trí, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau với tư cách là người tham gia tố tụng, đã cung cấp một thông tin rất quan trọng, đó là:
“Phòng Giáo dục huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã không thực hiện ký hợp đồng làm việc cho đối tượng là viên chức giáo dục được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003”.
Nếu thông tin này là sự thật thì đây chính là sự vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng trong công tác quản lý viên chức.
Bởi, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, ngày 15/11/2010 Luật Viên chức đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Luật Viên chức 2010 có 6 chương và 62 điều để quy định về viên chức; quyền nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Quốc hội giaoChính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật và hướng dẫn thi hành những nội dung cần thiết khác của Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Theo Luật, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làmviệc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối tượng là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc và hợp đồng làm việc được quy định theo 02 dạng là:
(1) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người trúng tuyển vào viên chức, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật viên chức (Hợp đồng này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 11, Thông tư 15/2012/TT-BNV).
(2) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 58 của Luật viên chức (Hợp đồng này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 12, Thông tư 15/2012/TT-BNV).
Và, Luật viên chức 2010 quy định các nội dung chủ yếu trong hợp đồng làm việc như sau:
a) Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.
c) Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc;
d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
đ) Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc;
e) Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
g) Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
h) Chế độ tập sự (nếu có);
i) Điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động;
k) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
l) Hiệu lực của hợp đồng làm việc;
m) Các cam kết khác gắn với tính chất, đặc điểm của ngành, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên chức và được lập thành ba bản, trong đó một bản giao cho viên chức.
Theo đó, để thực hiện việc chuyển tiếp cho cho các đối tượng được tuyển dụng trước và sau thời điểm 2003, Luật viên chức 2010 quy định như sau:
(1) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này.
Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.
(2) Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/07/2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.
(3) Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Vì vậy, để quy định chi tiết cho các điều khoản đã ban hành trong Luật viên chức, ngày 12/04/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2012/NĐ-CP đểquy định về tuyển dụng, bố trí, phân công, thay đổi và thăng hạng chức danh nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng; biệt phái, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá; thôi việc, nghỉ hưu và thẩm quyền quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tổ chức thực hiện ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức theo quy định tại Điều 59, Luật viên chức được quy định cụ thể tại Điều 43, Nghị định 29/2012/NĐ-CP như sau:
a) Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật viên chức và Khoản 2 Điều 18 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng;
b) Đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2003 đến ngày 01/01/2012, căn cứ thời gian công tác; hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định của Luật viên chức;
c) Đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 01/01/2012, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc theo quy định tại Luật viên chức.
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, bắt buộc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003.
Điều này nhằm mục đích đảm bảo về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng là cơ sở để hàng năm, cơ quan quản lý viên chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức, từ đó có cơ sở bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với viên chức.
Như vậy, nếu những phát biểu “Phòng Giáo dục huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau không thực hiện ký hợp đồng làm việc cho đối tượng là viên chức giáo dục được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003” của ông Trần Quốc Trí, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước trước Tòa án nhân dân huyện Cái Nước là sự thật, thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện Cái Nước và của tỉnh Cà Mau cần gấp rút vào cuộc kiểm tra làm rõ, để ngăn chặn ngay các hành vi trái pháp luật mà Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Cái Nước đã gây ra (không ký hợp đồng làm việc đối với viên chức), giúp quyền và lợi ích hợp pháp của viên chức được đảm bảo theo luật định.
Tài liệu tham khảo:
[1] //thukyluat.vn/vb/luat-vien-chuc-2010
[2] //thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-29-2012
[3] //thukyluat.vn/vb/thong-tu-15-2012