Phòng không Ukraine lung lay: Hậu quả nghiêm trọng do đóng băng viện trợ từ Mỹ
Lệnh đóng băng viện trợ phòng không từ Mỹ khiến Ukraine rơi vào thế bị động, giữa lúc Nga tăng cường tấn công bằng tên lửa và UAV.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Quyết định đình chỉ các chuyến hàng tên lửa phòng không quan trọng của Lầu Năm Góc tới Ukraine đang tạo ra một lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng thủ vốn đã mong manh của Kiev. Động thái này, được đưa ra do lo ngại về tình trạng cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ, đến vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi Nga vừa tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) với cường độ kỷ lục. Theo tờ báo độc lập trực tuyến Euromaidan Press (EP) ngày 6/7, đây không chỉ là một thách thức về quân sự mà còn là đòn giáng mạnh vào tinh thần của Ukraine, đồng thời đặt ra câu hỏi lớn về cam kết của phương Tây.
Mức độ thiệt hại và sự phụ thuộc vào vũ khí Mỹ
Trong bối cảnh Nga đã phóng hơn 330 tên lửa (gần 80 tên lửa đạn đạo) cùng với hơn 5.000 UAV tấn công và 5.000 bom dẫn đường (KAB) chỉ riêng trong tháng 6, việc đình chỉ viện trợ của Mỹ càng trở nên đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiha, các cuộc tấn công của Nga đã khiến thương vong tăng thêm 37% trong sáu tháng qua, một con số báo động cho thấy tầm quan trọng của hệ thống phòng không.
Việc Mỹ tạm dừng cung cấp 30 tên lửa Patriot, gần 8.500 quả đạn pháo 155mm và hơn 250 tên lửa GMLRS chính xác đang để lại những khoảng trống chết người trong cấu trúc phòng không của Ukraine:
Về phòng thủ tầm xa: Hệ thống Patriot là lá chắn chính của Ukraine chống lại tên lửa đạn đạo – những loại đạn có tốc độ cao, có thể tấn công bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Ukraine. Dù Kiev có hệ thống SAMP/T của Pháp-Italy, nhưng như chuyên gia phòng không Ukraine Serhii Morfinov nêu nghi vấn: "Câu hỏi liệu có đủ tên lửa cho hệ thống SAMP/T hay không là rất lớn".
Về phạm vi bao phủ tầm trung: Các bệ phóng NASAMS của Na Uy và hệ thống HAWK cũ kỹ của Mỹ đều phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế tên lửa AIM-9 và AIM-120 từ Mỹ.
Về phòng thủ tầm gần: Tên lửa Stinger di động và hệ thống Avenger gắn trên xe tải, vốn được dùng để bảo vệ binh sĩ và cơ sở khỏi máy bay và UAV bay thấp, cũng phụ thuộc vào nguồn cung của Mỹ.
Giải pháp thay thế hạn chế và lỗ hổng phòng không
Mặc dù Ukraine có một số hệ thống phòng không không phụ thuộc vào nguồn cung của Mỹ, nhưng chúng chủ yếu là các hệ thống tầm ngắn hoặc cũ thời Liên Xô. Các hệ thống như Piorun (Ba Lan), Mistral (Pháp), RBS-70 (Thụy Điển), Martlet (Anh) và các hệ thống của Đức (sử dụng tên lửa FZ275 LGR) chỉ cung cấp khả năng phòng thủ di động tầm ngắn. Với tầm trung, Ukraine có các hệ thống IRIS-T SLS của Đức và Raven của Anh, nhưng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt tên lửa vốn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là phòng thủ tên lửa đạn đạo. Pháp và Italy chỉ cung cấp hai khẩu đội SAMP/T, so với khoảng 10 hệ thống Patriot mà Ukraine đang vận hành. Hơn nữa, tên lửa SAMP/T cũng được báo cáo là đang thiếu hụt nghiêm trọng. Các hệ thống cũ thời Liên Xô như S-125, “Tor” và “Buk” vẫn hoạt động nếu còn đạn dược, nhưng nguồn cung này đã cạn kiệt từ lâu, buộc Ukraine phải tạo ra “FrankenSAM” – các bệ phóng Liên Xô được cải tiến để bắn tên lửa AIM-7 của Mỹ.
Viện trợ như một đòn bẩy chính trị?
Đây là lần đình chỉ viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine dưới thời Tổng thống Trump. Lần đầu tiên xảy ra vào tháng 3/2025 sau cuộc gặp căng thẳng giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Ukraine, được cho là nhằm gây áp lực buộc Kiev phải đàm phán và ký kết một thỏa thuận khoáng sản. Vài tuần sau khi cắt viện trợ, Ukraine đã chuyển sang thúc đẩy các đề xuất ngừng bắn thay vì kế hoạch chiến thắng ban đầu.
Nghị sĩ quốc hội Ukraine Fedir Venislavskyi khẳng định Kiev đã "xây dựng nhiều kịch bản khác nhau" cho những tình huống bất trắc, nhưng quyết định này (ngừng viện trợ) vẫn "rất khó chịu". Phản ứng của Nga đã thể hiện rõ điều này: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng "càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine thì chiến dịch quân sự đặc biệt càng gần kết thúc".
Hậu quả sâu rộng vượt ra ngoài chiến trường
Nếu không có vũ khí đánh chặn PAC-3, Ukraine sẽ trở nên "rất dễ bị tổn thương trước đạn đạo của Nga", như chuyên gia Morfinov cảnh báo. Nga có thể nhắm mục tiêu vào các sân bay, trung tâm chỉ huy quân sự, cơ sở sản xuất quốc phòng, hạ tầng quan trọng, trung tâm hậu cần, và thậm chí cả chính hệ thống phòng không của Ukraine bằng các cuộc tấn công bầy/đàn UAV để xác định vị trí và sau đó tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, việc thiếu đạn pháo 155mm sẽ "làm suy yếu phản ứng của Ukraine trước cuộc tấn công mùa hè lớn của quân Nga trên toàn bộ tiền tuyến", chuyên gia Morfinov lưu ý. Việc cạn kiệt tên lửa chính xác GMLRS còn nghiêm trọng hơn, buộc Ukraine phải dựa nhiều hơn vào máy bay F-16 mang tên lửa Storm Shadow, điều này làm tăng rủi ro cho phi công.
Nhà phân tích quân sự Jack Watling của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI) có trụ sở tại Anh cảnh báo rằng "quyết định này sẽ khiến Ukraine phải chịu tổn thất lớn". Tác động tâm lý làm gia tăng tổn thất về vật chất khi Ukraine đặt câu hỏi về quyết tâm của phương Tây. Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng nhấn mạnh: "Ukraine không thể cầm cự được nếu không có mọi sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được... An ninh châu Âu có nghĩa là an ninh Mỹ".
Tìm kiếm giải pháp thay thế và tương lai bất định
Mặc dù Ukraine đã "có một năng lực dự phòng nhất định" và đang tăng cường nỗ lực ngoại giao để đảo ngược quyết định, việc đình chỉ viện trợ mới trên chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển hướng sang sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine. Các báo cáo trước đây cho thấy Ukraine đã sản xuất hơn hai triệu UAV FPV (góc nhìn thứ nhất) vào năm 2024 và phát triển các biến thể tầm xa có khả năng tấn công ở khoảng cách 1.700 km. Tuy nhiên, những điểm yếu trong khả năng phòng không và tấn công chính xác vẫn còn đó.
Các giải pháp thay thế từ châu Âu cũng bị hạn chế do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và thời gian sản xuất chậm hơn. Số tiền lấy từ tài sản bị đóng băng của Nga có thể cung cấp nguồn tài chính, nhưng không thể giải quyết ngay lập tức tình trạng thiếu hụt đạn dược. Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho Ukraine là liệu sản xuất trong nước và các giải pháp thay thế của châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống trước khi Nga khai thác triệt để cơ hội này hay không.