Phòng ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể

Theo nguyên tắc, thức ăn nấu xong không nên ăn sau 2 giờ bởi, nếu để ở môi trường bình thường, thực phẩm sẽ có nguy cơ ô nhiễm.

Nhiều học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nhiều học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Khi nấu ăn ở địa điểm khác, nếu phương thức vận chuyển không bảo đảm thì rất có nguy cơ gây ô nhiễm trong giai đoạn này.

Hàng loạt trẻ ngộ độc thực phẩm

Theo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội), khi về đến trường hơn 50 cháu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn.

Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Thời gian ăn trưa lúc 11 giờ trong ngày.

Trong quá trình đi trải nghiệm, học sinh có mang theo đồ ăn vặt, nước uống từ nhà và sử dụng nước uống đóng chai 19L của trang trại Cánh Buồm Xanh. Thời gian học sinh từ trang trại về trường lúc 14 giờ 30 phút. Khi về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn.

2 cháu có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Từ 15 giờ 30 phút đến 18 giờ cùng ngày, 50 học sinh có cùng biểu hiện nôn, buồn nôn, đau bụng được chuyển khám bệnh viện. Tới trưa 29/3, ghi nhận 73 trẻ nhập viện.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể luôn được quan tâm. Tháng 12/2022, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cùng lúc tiếp nhận 40 học sinh (lớp 4, Trường Tiểu học Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu).

Những trẻ này vào viện với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn sau khi ăn tối tại một nhà hàng. Sau khi nhập viện, các trường hợp được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn.

Các bác sĩ đã truyền dịch chống độc, giảm co cho những bệnh nhi này. Một trong số các học sinh cho biết đã ăn canh, đùi gà, sườn, ngô, sau khi ăn thì bị đau bụng, buồn nôn.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa ghi nhận từ tối 17 đến sáng 22/11/2022, các bệnh viện tiếp nhận hơn 600 học sinh Trường Ischool Nha Trang ngộ độc sau bữa ăn trưa. Trong đó, có một ca tử vong. Các chuyên gia y tế nhận định, đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường.

Theo Viện Pasteur Nha Trang, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn tại Trường Ischool Nha Trang vào trưa 17/11/2022 cho thấy, món cánh gà chiên bị nhiễm khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm.

Nguy cơ trong quá trình vận chuyển

Theo Bộ Y tế, hiện nay việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau.

Trong đó, bao gồm: Tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn. Bộ Y tế cho biết, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học. Tình trạng đó gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Khi thanh tra, kiểm tra, nhất là ở các cơ sở giáo dục, có nhiều trường, nhất là các trường có địa điểm chật hẹp, không đủ diện tích để tổ chức nấu nướng tại chỗ. Do đó, những tổ chức này đã thuê một cơ sở nấu ở bên ngoài, sau đó vận chuyển. Đó cũng là một nguy cơ”.

Lý giải về vấn đề này, PGS Phong cho biết, theo nguyên tắc, thức ăn nấu xong không nên ăn sau 2 giờ. Bởi, nếu để ở môi trường bình thường, thực phẩm sẽ có nguy cơ ô nhiễm.

Song, khi nấu ăn ở các địa điểm khác, nếu phương thức vận chuyển không bảo đảm thì rất có nguy cơ gây ô nhiễm trong giai đoạn này. Việc lựa chọn nguyên liệu, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.

Yếu tố khác có thể là khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn không đảm bảo an toàn. Đồng thời, có sự lơ là trong khâu quản lý, giám sát.

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy - Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong trường hợp trẻ ngộ độc, nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển bé đến cơ sở y tế gần nhất.

Cha mẹ có thể gây nôn cho trẻ, cần kích thích cho trẻ càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ngộ độc ra ngoài. Có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng, hoặc cho trẻ uống nước muối loãng.

Đồng thời, cần cho trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của bé do ói mửa, tiêu chảy. Từ đó, đảm bảo bù nước đầy đủ cho trẻ. Cho trẻ uống dung dịch oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

Nếu thấy trẻ sốt, có thể sử dụng kháng sinh nhẹ và cho uống than hoạt tính từ 5 - 10g để hấp thụ chất độc. Lưu ý, cần ngưng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc. Giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Để phòng ngộ độc thực phẩm, chuyên gia khuyến cáo rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn uống. Bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến.

Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch. Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn. Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kỹ thời hạn của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phong-ngo-doc-thuc-pham-tu-bep-an-tap-the-post632462.html