Phòng ngừa bệnh cho trẻ từ bào thai

Nếu được can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỉ lệ lây truyền các bệnh từ mẹ sang con như giang mai, HIV, viêm gan B xuống dưới 2%

Ba bệnh lây truyền từ mẹ sang con là HIV, viêm gan B, giang mai hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận đến 20 ca giang mai, trong khi trước đó gần như không có trẻ mắc bệnh này nhập viện.

Trẻ mắc giang mai bẩm sinh tăng bất thường

Theo bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, 20 ca bệnh tập trung ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi và chủ yếu từ các tỉnh ĐBSCL chuyển lên. "Dù bệnh giang mai có thể kiểm soát trong quá trình trước và trong khi mang thai nhưng do sự chủ quan của gia đình đã khiến trẻ mắc bệnh và chịu hậu quả nặng nề. Đây là điều rất đáng tiếc" - bác sĩ Quy lo ngại.

Điển hình, một bé trai nhập viện trong tình trạng hủy xương cánh tay, xương chày, xương đùi do mắc bệnh giang mai. Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết quá trình mang thai, người mẹ được xét nghiệm dương tính với giang mai. Tuy nhiên, do người mẹ không nghĩ mình mắc bệnh nên không điều trị để dự phòng lây truyền sang con. Do đó, khi bé trai sinh ra đã mắc bệnh giang mai bẩm sinh và biến chứng hủy xương.

Trường hợp thứ 2 là bé bị viêm màng não do giang mai, khi nhập viện phải điều trị kháng sinh lâu dài. Nguyên nhân cũng do trẻ mắc giang mai khi còn trong bụng mẹ nhưng không được điều trị dự phòng.

Nếu được can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, trẻ sinh ra sẽ tránh được các bệnh lý nguy hiểm. (Ảnh có tính minh họa)

Nếu được can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, trẻ sinh ra sẽ tránh được các bệnh lý nguy hiểm. (Ảnh có tính minh họa)

Không chỉ trẻ nhập viện vì mắc bệnh giang mai mà Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng từng tiếp nhận 2 ca viêm gan nặng. Dù đã nỗ lực cứu chữa nhưng do tình trạng nguy kịch nên 2 bé đã tử vong.

"Trước đây, việc dự phòng lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai được thực hiện tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng như sự chủ quan của nhiều thai phụ đã khiến căn bệnh giang mai ở trẻ em tưởng chừng bị xóa sổ thì nay đã xuất hiện trở lại. "Chúng tôi đang có nghiên cứu tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện để lý giải nguyên nhân khách quan vì sao trẻ mắc bệnh giang mai tăng" - bác sĩ Quy cho biết.

Giang mai là một trong những bệnh có đường truyền từ mẹ sang con, vì vậy mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến thai kỳ và trẻ sơ sinh như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh. Mắc bệnh giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai nhi.

Theo bác sĩ Quy, khi trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh có các dấu hiệu như da bông trắng, sốt, thậm chí co giật. Bệnh giang mai bẩm sinh sẽ gây biến chứng toàn thân, suy đa cơ quan. Nếu trẻ mắc giang mai biến chứng sang não sẽ gây mủ tụ dịch hoặc chậm phát triển tâm thần vận động, biến chứng ở xương sẽ bị hủy xương, biến chứng sang mắt, tai sẽ khiến trẻ giảm thị lực, điếc…

Bác sĩ Quy cho biết giang mai là bệnh điều trị được bằng kháng sinh. Mức độ điều trị tùy thuộc tình trạng nhiễm trùng, tình hình sức khỏe của trẻ. Đối với một số trẻ sơ sinh, bệnh giang mai bẩm sinh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, một số phải điều trị triệu chứng trong thời gian dài.

Tầm soát các bệnh để can thiệp sớm

Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Bộ Y tế, hằng năm, Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó có hơn 3.800 người nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30%-40%, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140-1.520 trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.

Đối với viêm gan B, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B. Do đó, tỉ lệ lưu hành virus viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao - từ 9,5%-13%.

Riêng với giang mai, năm 2016, Bộ Y tế đã đưa việc xét nghiệm sàng lọc bệnh này vào nội dung khám thai định kỳ.

Nhằm hướng tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ 3 bệnh trên giai đoạn 2018-2030. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ không còn trẻ mắc 3 bệnh trên do lây truyền từ mẹ.

PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản bệnh Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), cho biết thai nhi có thể mắc các bệnh nhiễm trùng do virus, siêu vi, vi khuẩn… Em bé có thể nhiễm các tác nhân này trước, trong khi mang thai và sau khi sinh. Vì vậy, để phòng ngừa cần thực hiện các biện pháp theo 3 giai đoạn trên bằng tiêm vắc-xin, thực hiện các xét nghiệm thường quy khi mang thai, tiêm phòng cho trẻ sau sinh.

Bác sĩ Trang nhấn mạnh trong quá trình mang thai, không chỉ siêu âm, đo tim thai mà người mẹ phải thực hiện xét nghiệm, tầm soát các bệnh có thể điều trị để sớm có biện pháp can thiệp, tránh nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cũng cho biết các bệnh HIV, viêm gan B, giang mai có thể điều trị dự phòng và hoàn toàn miễn phí, thai phụ cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để con sinh ra khỏe mạnh.

Phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả

Theo các bác sĩ, để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lây truyền từ mẹ, các bà mẹ và gia đình cần xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, tốt nhất là trong 3 tháng đầu. Nếu được phát hiện sớm sẽ có các can thiệp điều trị dự phòng nhằm giảm lây truyền cho con.

Ví dụ, nếu người mẹ nhiễm HIV sẽ bắt đầu điều trị từ tháng thứ 4 của thai kỳ bằng thuốc kháng virus đặc hiệu.

Mẹ nhiễm virus viêm gan B cũng được điều trị thuốc kháng virus. Sau sinh, trẻ được tiêm ngay kháng huyết thanh virus trong vòng 24 giờ, đồng thời tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B để phòng bệnh.

Đối với người mẹ nhiễm giang mai cũng sẽ được điều trị ngay sau khi xét nghiệm dương tính trong thai kỳ. Điều này giúp giảm các biến chứng như sẩy thai, thai lưu hoặc giúp trẻ không mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/phong-ngua-benh-cho-tre-tu-bao-thai-20221017200240871.htm