Phòng ngừa cảm cúm cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm và khi bị cúm thì thường nặng hơn người khác. Nguyên nhân bởi cơ thể của thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh, hơn nữa hệ thống miễn dịch suy giảm khi phụ nữ bắt đầu mang thai khiến họ dễ bị nhiễm trùng, mắc ho, cảm lạnh và cúm.

Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi. Khi thai phụ sốt cao cộng với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây nên hiện tượng sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Ngoài ra, thai phụ bị cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Để phòng tránh cảm cúm, phụ nữ mang thai cần tích cực ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Để phòng tránh cảm cúm, phụ nữ mang thai cần tích cực ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Thai phụ mắc cúm nên ăn gì?

Phụ nữ mang thai bị cúm cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung thêm thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Các món ăn nên sử dụng khi bị cảm cúm là các loại súp, cháo, rau xanh và hoa quả. Trong đó, cháo hành tía tô giúp giải cảm, đồng thời cũng có tác dụng chống động thai. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều hoa quả giàu vitamin C nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch, đẩy lùi cơn cảm cúm và phục hồi nhanh hơn.

Phòng tránh cảm cúm cho thai phụ

Để phòng tránh cảm cúm, phụ nữ mang thai cần tích cực ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Hạn chế ra ngoài trời khi mưa nắng thất thường. Uống nhiều nước để làm loãng đờm và thải độc tố. Uống nước mật ong thêm gừng hoặc chanh nóng để làm sạch vùng họng.

Khi bị mắc cúm, thai phụ cần hạ sốt: dùng khăn lạnh lau người hoặc chườm lên vùng trán, uống nhiều nước ấm, chú ý nghỉ ngơi, giữ ấm cho cơ thể… Khi đang mang thai, việc dùng thuốc có thể gây hại cho cả mẹ và con. Vì vậy khi thai phụ có những triệu chứng của mắc cảm cúm, cần đi khám bác sĩ ngay để có hướng điều trị cụ thể, không được tự ý dùng thuốc. Cũng có thể dùng dung dịch tỏi để tránh cúm bằng cách giã tỏi cho nhỏ ra rồi uống với nước.

Độ tuổi nào nên tiêm phòng cúm?

Bệnh cúm là bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều chủng loại virus cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Virus cúm liên tục biến đổi vì vậy việc tiêm phòng vaccine hàng năm là biện pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất. Các vaccine ngừa cúm đều có thành phần kháng nguyên kháng H1N1.

Độ tuổi tiêm ngừa cúm là từ 6 tháng tuổi trở lên. Có 2 loại vaccine ngừa cúm. Vaccine ngừa cúm liều 0,25ml (cúm nhỏ) dành cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Vaccine ngừa cúm liều 0,5ml (cúm lớn) dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn. Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần tiêm ngừa cúm. Liều tiêm: trẻ lần đầu tiên tiêm cúm sẽ được tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng, sau đó cần nhắc lại hàng năm. Vaccine ngừa cúm chỉ có tác dụng trong 1 năm. Sau đó phải tiêm nhắc để tiếp tục được bảo vệ.

Bị cảm cúm có nên dùng kháng sinh?

Cảm cúm thông thường hay còn gọi là cảm sốt do nhiều loại virus gây ra nhưng không lây lan nhanh như cúm, thường không nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 5-7 ngày. Cảm sốt có thể mắc bất kỳ lúc nào, khi cơ thể bị nóng lạnh đột ngột do thay đổi thời tiết như trời quá nắng nóng (cảm nắng) hoặc sau một cơn mưa (cảm lạnh).

Để làm giảm các triệu chứng của cảm cúm thông thường, có thể dùng các thuốc sau: thuốc paracetamol hoặc ibupfofen có tác dụng hạ sốt, giảm đau (đau họng, đau đầu, đau người) từ nhẹ đến vừa. Chỉ dùng thuốc khi sốt cao trên 38,5 độ. Các thuốc trị cảm cúm có rất nhiều loại với các tên khác nhau, có thể là đơn chất hoặc phối hợp thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm với các hoạt chất chống dị ứng, kháng histamin, chống phù nề, sung huyết. Vì vậy không được dùng nhiều loại thuốc cảm cúm cùng lúc, dễ bị quá liều và ngộ độc paracetamol.

Người bệnh mắc cảm cúm thông thường không được dùng thuốc kháng sinh vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và không diệt được virus. Trừ trường hợp cảm cúm có bội nhiễm vi khuẩn gây viêm hô hấp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có kháng sinh để điều trị. Các thuốc trị cảm cúm dù là các thuốc không kê đơn nhưng cần dùng đúng chỉ định thì bệnh mới nhanh khỏi và không gặp các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Gia Bảo (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phong-ngua-cam-cum-cho-phu-nu-mang-thai/852587.antd