Phòng ngừa chập cháy thiết bị điện trong mùa nồm ẩm

Đặt đồ điện tử nơi khô thoáng, thường xuyên bật chế độ vận hành ngay cả với thiết bị không có nhu cầu, sử dụng tủ chống ẩm chuyên dụng... giúp đồ điện tử không bị chập cháy, hỏng hóc do trời nồm ẩm.

Nguy cơ hỏng hóc, chập cháy thiết bị điện tử khi trời nồm ẩm

Miền Bắc đang bước vào giai đoạn nồm ẩm nhất trong năm, với độ ẩm không khí thường xuyên duy trì ở mức 85-90%. Đây được coi là "ác mộng" đối với các thiết bị điện tử như TV, laptop, loa, amply, máy ảnh,… vốn rất nhạy cảm với hơi ẩm. Nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các thiết bị này có thể bị hỏng hóc, ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng hoạt động.

Một trong những thiết bị chịu tác động nhiều nhất từ thời tiết nồm ẩm là TV. Người dùng thường gặp tình trạng suy giảm chất lượng hình ảnh, màn hình bị nhòe, nhiễu, hoặc bật lâu mà không lên nguồn. Điều này xuất phát từ hiện tượng hơi ẩm xâm nhập vào các vi mạch bên trong, gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị.

Cần bảo quản đồ điện tử đúng cách khi trời nồm ẩm.

Cần bảo quản đồ điện tử đúng cách khi trời nồm ẩm.

Bên cạnh đó, các thiết bị như remote TV, điều hòa, máy lọc không khí cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Hơi ẩm làm cho nút bấm kém nhạy, thậm chí gây chập cháy các linh kiện điện tử bên trong.

Đặc biệt, thiết bị sấy quần áo dạng tủ rẻ tiền, thường được nhà sản xuất "chế" với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và quây bằng vải bạt bao quanh khung sắt là vật dụng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Nguyên nhân do khi sử dụng, quần áo được treo phía trên, máy làm nóng đặt phía dưới theo kiểu "xông khói", nếu quần áo rơi xuống, hoặc đơn giản chỉ là sợi vụn vải kẹt vào có thể dẫn tới cháy thiết bị.

Một nguyên nhân khác phải kể đến là người dân thường ít có thói quen kiểm tra thiết bị điện định kỳ. Máy móc không được sử dụng trong thời gian dài cũng dễ gây nguy cơ hỏng hóc bất thường gây chập cháy.

Để đảm bảo an toàn khi vận hành các thiết bị điện trong thời tiết nồm ẩm, KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, cần tránh đặt thiết bị sát tường hoặc dưới sàn nhà. Những khu vực này có độ ẩm cao, dễ khiến hơi nước xâm nhập vào linh kiện bên trong. Thay vào đó, nên đặt thiết bị ở nơi cao ráo, thoáng khí.

Việc giữ khoảng cách giúp không khí lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng tích tụ độ ẩm gây ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị. Nếu thấy xuất hiện hơi nước trên TV, máy tính hay các thiết bị khác, người dùng có thể dùng khăn mềm để lau nhẹ, tránh nước ngấm sâu vào bên trong.

Đối với các thiết bị nhỏ như máy ảnh, ống kính, thiết bị cầm tay, người dùng có thể bảo quản trong các tủ chống ẩm chuyên dụng hoặc hộp kín có cục hút ẩm để giảm thiểu nguy cơ hư hỏng.

Đối với các loại tủ/máy sấy quần áo, cần vắt kiệt nước trước khi cho vào máy, để tránh gây nhỏ nước ra thiết bị. Đặc biệt, trước khi giặt, sấy cần kiểm tra kỹ túi quần áo để loại bỏ các vật dụng như đinh, kẹp, bút, bật lửa…, tránh nguy cơ kẹt vào lồng máy/thiết bị sấy, tạo phản ứng dẫn đến cháy. Không nên đặt máy trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm, nơi bị nước mưa hắt vào. Thiết bị nên được đặt cách tường ít nhất 10-15cm, khoảng cách sàn 80cm, đồng thời không được đặt các vật dễ cháy ở gần.

Bật thiết bị ngay cả khi không sử dụng

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, nguyên cán bộ Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, trời nồm, ẩm các thiết bị điện tử rất dễ bị ẩm, các tụ điện trở và linh kiện trong mạch điện bị hỏng hóc do các chi tiết kim loại bị ăn mòn. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng chập điện, cháy nổ.

Trong ngày nồm ẩm, các thiết bị điện tử dù không dùng đến cũng vẫn bật, ít nhất một lần/ngày và cắm điện ở chế độ chờ. Những thiết bị lâu ngày không dùng đến thì không nên bật ngay, mà dùng máy sấy tóc hoặc điều hòa làm khô, chờ khi thiết bị nguội (nếu dùng máy sấy tóc) thì mới bật. Đây cũng là lưu ý đặc biệt quan trọng với những thiết bị như tivi, ampli... Nếu không dùng có thể mở và để ở chế độ chờ Standby (tắt bằng điều khiển chứ không tắt hẳn bằng nút cứng trên thiết bị).

Việc này có thể thực hiện tương tự với các loại thiết bị khác như điện thoại, máy tính bảng hay máy tính thông thường bởi đây là những thiết bị thường sử dụng bảng mạch rất nhỏ nên tiết trời nồng ẩm dễ gây nguy hại hơn.

Để hút ẩm hiệu quả, các gia đình cũng có thể sử dụng một số vật liệu hút ẩm tự nhiên đối với những căn phòng diện tích nhỏ như vôi sống, than củi đựng vào thùng gỗ hoặc thùng giấy rồi đặt dưới gầm giường hoặc góc phòng sẽ giúp nhà cửa khô thoáng hơn.

Đặc biệt, người dân không nên sử dụng các thiết bị tủ/máy sấy, máy sưởi, thiết bị hút ẩm... trong thời gian dài liên tục để tránh tình trạng quá tải dẫn đến sự cố nóng máy gây cháy, nổ. Trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên kiểm tra thiết bị, không nên vận hành thiết bị xuyên đêm để tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Đối với các gia đình có con nhỏ, người bị bệnh hô hấp hoặc sở hữu nhiều thiết bị điện tử đắt tiền, việc đầu tư một chiếc máy hút ẩm là giải pháp đáng cân nhắc để đảm bảo không gian luôn khô ráo.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-ngua-chap-chay-thiet-bi-dien-trong-mua-nom-am-169250222142136757.htm