Phòng ngừa chặt chẽ ngay từ cơ sở

Xăng, dầu là chất dễ cháy, nổ, nếu xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Do đó, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn Hà Nội, nhất là cao điểm mùa hè phải luôn được kiểm soát rất chặt chẽ và nghiêm ngặt ngay từ cơ sở.

Diễn tập chữa cháy tại kho xăng dầu Đỗ Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín).

Vẫn còn lo lắng

Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có 1.211 cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố tuy chưa xảy ra sự cố cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh cũng như hoạt động vận chuyển xăng dầu nhưng không vì thế mà có thể lơ là, chủ quan, nhất là trong dịp nắng nóng cao điểm như hiện nay.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, cửa hàng xăng dầu ở số 233 phố Khâm Thiên (quận Đống Đa), số 276 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) nằm trong khu dân cư, nhà cửa san sát, khó bảo đảm khoảng cách an toàn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (QCVN 01: 2013/BCT) của Bộ Công Thương. Trong đó, chưa bảo đảm khoảng cách an toàn từ cột bơm đến các công trình bên ngoài cửa hàng là 50m đối với công trình công cộng và 5m đối với công trình dân dụng...

Về việc quản lý các cơ sở kinh doanh xăng dầu, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho rằng, còn bất cập bởi nhiều cơ sở khi xây dựng thì bảo đảm quy định, nhưng sau một thời gian, nhà dân, các công trình xây dựng lại mọc lên sát các cơ sở này, dẫn tới không bảo đảm quy định về khoảng cách.

Bên cạnh đó, theo Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa), ý thức người dân vẫn chưa cao trong việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cửa hàng xăng dầu khi còn tình trạng người mua xăng nghe điện thoại, hút thuốc; mua tích trữ xăng dầu để trong nhà, gần nguồn nhiệt...

Chị Nguyễn Thị Hồng Hải, nhân viên cửa hàng xăng dầu số 1 phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) cho biết, dù đã có biển cảnh báo nhưng một số ít người chưa thực sự có ý thức bảo đảm an toàn khi vẫn hút thuốc, nghe điện thoại trong khu vực cửa hàng. “Có người phải nhắc nhở vài lần họ mới chấp hành...”, chị Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ.

Nguy hiểm hơn, hiện trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại nhiều cây xăng “chui” với quy mô nhỏ, không có giấy phép, không được thẩm định về an toàn. Chẳng hạn như cây xăng tại thôn Văn Quán (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai) và cây xăng tại thôn Mộc Hoàn Giáo (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) chỉ có 1 cột bơm, được che tạm bằng tôn, không đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Chủ động ứng phó với các tình huống

Nhân viên cửa hàng xăng dầu tại phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây) diễn tập chữa cháy tại cơ sở.

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), việc chữa cháy xăng dầu hết sức phức tạp, nguy hiểm, đòi hỏi phải được thực hiện với các trang bị, phương tiện đặc thù. “Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ cháy, nổ, sự chủ động phòng ngừa của cơ sở và tăng cường kiểm tra, tuyên truyền của lực lượng chức năng là yếu tố quan trọng”, Thượng tá Trương Đức Dũng nói.

Là cơ sở kinh doanh xăng dầu được đánh giá cao về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 85 (phường Gia Thụy, quận Long Biên) Chử Văn Minh cho biết, cửa hàng được trang bị các cột xăng dầu có thu hồi hơi, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và an toàn phòng cháy, chữa cháy. 100% cán bộ, nhân viên cửa hàng được đào tạo về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy được kiểm tra định kỳ hằng tháng. “Ngoài ra, 6 tháng/ lần, cửa hàng phối hợp với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ diễn tập các phương án chữa cháy giả định nhằm nâng cao ý thức, khả năng xử lý tình huống cháy, nổ của cán bộ, nhân viên trong đơn vị”, ông Chử Văn Minh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, địa bàn quận có 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và tất cả đều đã được thẩm duyệt, nghiệm thu phòng, chống cháy, nổ nghiêm ngặt theo quy định. Xác định việc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra để nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, từ đầu năm 2021 đến nay, quận đã kiểm tra 20 lượt, lập 20 biên bản kiểm tra an toàn tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. “Đối với những cơ sở không đáp ứng được các quy định, quận kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm”, ông Đỗ Thanh Tùng khẳng định.

Việc nâng cao năng lực chủ động ứng phó với các tình huống cháy, nổ cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Trung tá Nguyễn Đức Thành, Phó Trưởng Công an thị xã Sơn Tây cho biết, hằng năm thị xã đều tổ chức tập huấn cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Mục tiêu của đơn vị là thông qua tập huấn, mỗi nhân viên cửa hàng xăng dầu sẽ trở thành chiến sĩ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời là tuyên truyền viên đến người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1005398/phong-ngua-chat-che-ngay-tu-co-so